Bức tượng có giá trị tín ngưỡng quan trọng với người dân ở các làng chài xung quanh, đặc biệt là tín đồ Phật giáo.
Eo Gió có lẽ không còn là điểm đến xa lạ với du khách khi tới Quy Nhơn. Thế nhưng ít ai biết rằng, ngay bên cạnh bức tranh sơn thủy hữu tình ấy là Tịnh xá Ngọc Hòa - một chốn tâm linh tĩnh lặng, yên bình gây thổn thức bao du khách hành hương.
Tịnh xá Ngọc Hòa là một ngôi chùa nằm ngay dưới sườn núi của Eo Gió, thuộc Bãi Bấc, bán đảo Phương Mai, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 20km. Nơi đây nằm bên làng chài yên bình Lý Lương (xã Nhơn Lý), được bao bọc một bên là núi, một bên là biển vô cùng thơ mộng.
Tên gọi “tịnh xá” bắt nguồn từ cách gọi các ngôi chùa, các công trình kiến trúc nhà ở theo phong cách Phật giáo – nơi riêng biệt dành cho những ngày thiền của các thầy tu của người Ấn Độ. Đồng thời, khác với các ngôi chùa có chức năng hành lễ, tịnh xá sẽ chú trọng hơn vào vấn đề nghỉ ngơi, tu tâm.
Tịnh xá Ngọc Hòa được tạo lập vào năm 1960 bởi trưởng lão Thích Giác An. Đến năm 1962, nơi đây đã hoàn thành với không gian khang trang, rộng rãi cùng những bức tượng Phật có giá trị to lớn về mặt tâm linh. Theo thời gian, tịnh xá được mở rộng, tu bổ khang trang thêm.
Chánh điện tại Tịnh xá Ngọc Hòa là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống cùng những chi tiết phá cách hiện đại. Đây là nơi thờ phượng tượng Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng) cùng một bức tượng Phật chính ở giữa. Xung quanh chánh điện được bài trí trang trọng, giúp cho không gian tịnh xá thêm phần linh thiêng, thanh tịnh.
Đặc biệt, tạo ấn tượng sâu sắc với du khách khi đến tịnh xá chính là được chiêm ngưỡng tượng Phật đôi Quan Thế Âm có chiều cao khoảng 30m (tính cả phần đế tượng), hai mặt xoay về hai hướng Nam - Bắc và được sơn màu vàng bắt mắt. Đây là bức tượng đôi cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Theo người dân địa phương, bức tượng hướng về cổng chính của tịnh xá phía Nam, tay cầm tràng hạt và kinh sách được gọi là Quan Thế Âm Kiết Tường, tượng trưng cho rừng vàng, với ý nghĩa cầu thịnh vượng cho tất cả chúng sinh và con người ở vùng đất này.
Tượng còn lại hướng về biển cả bao la, tay cầm thùy dương liễu và bình cam lồ, được gọi là Quan Thế Âm Nam Hải, tượng trưng cho biển bạc, với ý nghĩa cầu mong ấm no, bình an cho những ngư dân làng chài lênh đênh trên biển.
Bởi vậy, tượng Phật đôi Quan Thế Âm Bồ Tát có giá trị tín ngưỡng quan trọng với người dân ở các làng chài ở Nhơn Lý, đặc biệt là tín đồ Phật giáo.
Trước kia, bức tượng hướng về phía Bắc được sơn màu bạc, còn bức tượng hướng về phía Nam có màu vàng. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của bà con trong vùng sau này cùng sự nhất trí của các Phật tử và sư trụ trì, bức tượng Phật đôi đã được phủ hoàn toàn bằng sơn nhũ vàng giúp chống lại sự bào mòn của thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, cũng như tô điểm thêm cho cảnh sắc khuôn viên tịnh xá.
Tượng Phật đôi Quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen, đứng tựa lưng vào nhau. Thân tượng đôi được làm rỗng bên trong, gồm nhiều tầng bậc, được lấp đầy bằng 2.000 bức tượng Quan Thế Âm nhỏ bằng đồng, đá, composite… Bên trong tượng cũng để các thông tin về ý tưởng, kiến trúc, quá trình xây dựng để đời sau nắm rõ.
Phần đế chân tượng Phật, được xây dựng bằng bê tông vững chắc, bên ngoài ốp đá tổ ong theo lối kiến trúc tháp Chăm, tạo nên nét đẹp cổ kính. Xung quanh đế là tượng 5 vị Thần Tài Lộc Kim Cang Thừa.
Trong khuôn viên của tịnh xá còn có hai phần đầu tượng được thiết kế khổng lồ với các mặt chắp lại với nhau. Xung quanh còn có tượng Phật Quan Âm màu trắng cùng với Phật Di Lặc màu xanh mang lại cho du khách cảm giác bình yên, thanh tịnh. Lối đi lại, hành lang trong tịnh xá được trồng nhiều cây xanh tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng cho du khách thập phương chiêm bái.
Một lưu ý nhỏ là khi vào thăm tịnh xá, du khách nên chọn mặc đồ trang nhã, thanh lịch; nên đi giày thấp đế để leo bậc thang dễ hơn cũng như dễ tháo cởi khi vào trong tham quan.
Nếu ghé thăm Eo Gió, du khách nên tới chiêm bái Tịnh xá Ngọc Hòa bởi khoảng cách không xa và có dịp chiêm ngưỡng bức tượng Phật đôi khổng lồ độc đáo mà hiếm nơi nào khác có được.
>> Bên trong hang động 3 tầng có niên đại 1.600 năm, là nguồn gốc của hang Vân Cương và Long Môn