Xã hội

Chiêm ngưỡng công trình tháp đôi 1.000 năm tuổi giữa lòng thành phố biển miền Trung, vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian và thời tiết

Dương Uyển Nhi 25/10/2024 08:37

Đây là một trong tám cụm tháp cổ, biểu tượng kiến trúc đặc trưng của người Chăm, và là một trong những điểm du lịch nổi bật tại thành phố Quy Nhơn.

Nằm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Tháp Đôi, hay còn gọi là Tháp Hưng Thạnh, gồm hai tháp song song. Tháp phía bắc cao khoảng 22m, trong khi tháp phía nam cao hơn 17m. Công trình này là một di tích kiến trúc cổ của nền văn hóa Champa còn được bảo tồn tại Bình Định.

Chiêm ngưỡng công trình tháp đôi 1.000 năm tuổi giữa lòng thành phố biển miền Trung, vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian và thời tiết - ảnh 1
Tháp Đôi (Ảnh: Internet)

Điểm đặc biệt của Tháp Đôi so với các tháp cổ Champa khác ở Bình Định là bên trong tháp có thờ bộ ngẫu tượng Linga - Yoni được làm bằng sa thạch. Bộ ngẫu tượng này được chạm khắc từ một khối sa thạch nguyên khối, với đế vuông có cạnh dài 1,86m và chiều cao 1,06m. Đây là bản phục chế dựa trên thiết kế gốc của một nhà nghiên cứu người Pháp. Ngẫu tượng này được coi là biểu tượng của sự sáng tạo và tín ngưỡng phồn thực của người Chăm cổ, thể hiện mong muốn cho vạn vật sinh sôi, phát triển.

Chiêm ngưỡng công trình tháp đôi 1.000 năm tuổi giữa lòng thành phố biển miền Trung, vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian và thời tiết - ảnh 2
Bộ ngẫu tượng Linga - Yoni được làm bằng sa thạch bên trong Tháp Đôi (Ảnh: Internet)

Dựa trên hình dáng, cấu trúc, điêu khắc và vật liệu xây dựng, các nhà nghiên cứu đã xếp Tháp Đôi vào nhóm tháp thuộc phong cách kiến trúc Bình Định, có niên đại từ cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII.

Ngoài những yếu tố kiến trúc của tháp Chăm truyền thống, Tháp Đôi còn mang những nét đặc trưng riêng với khối hình lớn, vòm cửa và cửa giả vút lên như mũi giáo.

Chiêm ngưỡng công trình tháp đôi 1.000 năm tuổi giữa lòng thành phố biển miền Trung, vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian và thời tiết - ảnh 3
Công trình này được coi là một trong những tháp độc đáo nhất (Ảnh: Báo Dân trí)

Công trình này được coi là một trong những tháp độc đáo nhất, gồm hai phần chính: phần thân tháp hình vuông và phần mái tháp với mặt cong. Từ phần diềm mái trở lên, Tháp Đôi không thu nhỏ theo kiểu giật cấp thành ba tầng như các tháp Chăm thông thường, mà thay vào đó là một hệ thống nhiều tầng giả.

Mỗi tầng được đánh dấu ở bốn góc tháp bằng hình ảnh chim thần Garuda, trong tư thế chân cong mạnh mẽ đạp vào góc tường, hai cánh giơ thẳng như đang nâng đỡ tầng tháp bên trên. Bên cạnh đó, các phù điêu tại đây thể hiện các sinh vật thần thoại, chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Khmer vào thế kỷ XII-XIII.

Có thể nói, trong số các tháp cổ Chăm còn tồn tại ở Bình Định, Tháp Đôi là một trong những công trình chịu ảnh hưởng văn hóa Khmer rõ nét nhất, thể hiện qua hình dáng, hoa văn trang trí và việc sử dụng đá trong kiến trúc.

Hiện nay, Tháp Đôi ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Gần đây, Muhammad Ali Pasha, cây bút của tờ The Gulf Observer, đã viết một bài giới thiệu về Tháp Đôi tại Quy Nhơn. Bài viết mô tả đây là một trong tám cụm tháp cổ, biểu tượng của kiến trúc người Chăm, và là điểm đến nổi bật tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trong bài, tác giả đã đề cập rằng Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, với phong cách kiến trúc đặc trưng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người Khmer. Tương tự như nhiều tháp Chăm khác, mỗi tháp trong Tháp Đôi đều chỉ có một cửa chính hướng về phía Đông.

Chiêm ngưỡng công trình tháp đôi 1.000 năm tuổi giữa lòng thành phố biển miền Trung, vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian và thời tiết - ảnh 4
Tháp Đôi ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan (Ảnh: Internet)

Dù đã tồn tại gần 1.000 năm, Tháp Đôi vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, bất chấp những tác động khắc nghiệt của thời gian và thiên nhiên. Chính kiến trúc độc đáo và vật liệu xây dựng bền bỉ đã giúp công trình này đứng vững qua nhiều thế kỷ.

>> Huy động 200 nhân công làm việc liên tục trong 140 giờ, thành công xây dựng tòa nhà khách sạn 15 tầng có thể chịu được động đất 9.0 độ richter với số vật liệu bằng 1/6 tòa nhà cùng quy mô

Ngôi nhà hơn 200 năm tuổi có kết cấu từ 9 loại gỗ khác nhau, được UNESCO công nhận là một trong những nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất Việt Nam

Ngôi làng 500 tuổi giàu lên nhờ nghề may Âu phục, tới nay vẫn sở hữu hàng loạt 'căn biệt thự' có lối kiến trúc cổ độc đáo

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chiem-nguong-cong-trinh-thap-doi-1000-nam-tuoi-giua-long-thanh-pho-bien-mien-trung-van-gan-nhu-nguyen-ven-bat-chap-su-tan-pha-cua-thoi-gian-va-thoi-tiet-128903.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chiêm ngưỡng công trình tháp đôi 1.000 năm tuổi giữa lòng thành phố biển miền Trung, vẫn gần như nguyên vẹn bất chấp sự tàn phá của thời gian và thời tiết
    POWERED BY ONECMS & INTECH