Thế giới

Chiến đấu trong lòng đất: Quân đội Mỹ cần phải học hỏi kinh nghiệm Israel

Thái An 28/10/2024 11:35

Tướng Mỹ nghỉ hưu David Perkins và Ari Cicurel thuộc Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ cho rằng, Israel đã thích ứng với chiến đấu trong các hệ thống đường hầm và Mỹ cũng cần phải làm theo.

Khi Israel tiến hành các hoạt động bộ binh hạn chế chống lại Hezbollah ở Li-băng, họ phải đối mặt các hệ thống đường hầm tương tự kiểu chiến đấu nguy hiểm, ẩn khuất mà họ đã giao tranh suốt một năm dưới lòng đất Dải Gaza.

Chiến đấu trong lòng đất: Quân đội Mỹ cần phải học hỏi kinh nghiệm Israel ảnh 1
Binh sĩ Israel trong một đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: AP.

Thay đổi học thuyết quân sự

Đây không phải là lần đầu tiên Israel tham gia vào một loại hình chiến đấu mới mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Cũng như Mỹ đã học hỏi từ các cuộc chiến của Israel trong quá khứ, những rủi ro của chiến tranh trong lòng đất và cách Israel vượt qua những thách thức đó thông qua các chiến thuật phối hợp bộ binh và sự thích nghi về công nghệ nên định hướng sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với chiến đấu dưới mặt đất.

Mỹ có lịch sử lâu dài về việc học hỏi từ các cuộc chiến của Israel. Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 gây ra thay đổi lớn đến mức Lục quân Mỹ đã có sự thay đổi lớn nhất trong học thuyết của mình kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Việc quân đội Ai Cập và Syria sử dụng vũ khí và chiến thuật của Liên Xô giúp vũ khí chống tăng phá hủy nhiều xe tăng hơn trong sáu ngày đầu tiên của cuộc chiến so với số lượng xe tăng Mỹ triển khai khắp châu Âu, và các trận đấu xe tăng diễn ra ở khoảng cách xa hơn bao giờ hết đã khiến các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ bị sốc khi chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Liên Xô vào Tây Âu.

Sau chiến tranh, Bộ Tư lệnh Huấn luyện và Học thuyết của Lục quân Mỹ (TRADOC) gửi một đội đến Israel, và các phát hiện của họ dẫn đến việc áp dụng học thuyết “AirLand Battle” giúp định hình tư duy chiến thắng một cuộc chiến tranh quy ước ở châu Âu thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng mặt đất và không quân.

Tương tự, các cuộc chiến dưới lòng đất ở Dải Gaza và miền nam Li-băng cho thấy môi trường này đặt ra những thách thức mà quân đội Mỹ cần chuẩn bị tốt hơn để chiến đấu. Đường hầm sẽ là một vấn đề ngày càng lớn đối với các quân đội phương Tây vì chúng cung cấp sự bảo vệ vật lý và gây khó khăn trong việc phân biệt, cô lập các chiến binh khỏi dân thường.

Nhận thấy những lợi thế đó, Hamas đã dành gần hai thập kỷ để củng cố Dải Gaza với hơn 563 km đường hầm dưới lòng đất được kết nối với nhau. Họ cố tình thiết kế kiến trúc để cho phép tấn công, bảo vệ các chiến binh Hamas và ngăn chặn các cuộc tiến công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Hezbollah cũng xây dựng các hệ thống đường hầm tương tự ở miền nam Li-băng nhưng trên diện tích đất rộng lớn hơn nhiều.

Chiến đấu trong lòng đất: Quân đội Mỹ cần phải học hỏi kinh nghiệm Israel ảnh 2
Lính Israel canh gác lối vào một đường hầm. Ảnh: Getty Images.

Mê cung trong lòng đất và mục đích chiến lược

Việc tìm kiếm các chiến binh và con tin trong mê cung trong lòng đất rộng lớn của Hamas là một trong những khía cạnh khó khăn nhất của chiến tranh và đã chứng minh rằng đây là một quá trình tốn thời gian ở miền nam Li-băng.

Các chiến binh xuất hiện đột ngột từ các đường hầm để nhanh chóng nhắm vào binh sĩ Israel trước khi trốn thoát qua lối đi ẩn. Các đường hầm sâu và kiên cố cũng chứa các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, cơ sở sản xuất vũ khí, kho chứa và cả con tin.

Hamas và Hezbollah cũng xây dựng đường hầm cho các mục đích chiến lược. Việc xây dựng đường hầm bên trong và bên dưới các tòa nhà dân cư, bệnh viện, trường học, nhà thờ Hồi giáo và cơ sở của Liên Hợp Quốc có thể lợi dụng dân thường làm lá chắn sống để ngăn cản các chiến dịch của Israel.

Mặc dù Israel cam kết sử dụng các biện pháp quân sự có độ chính xác cao để giảm thiểu thiệt hại ngoài ý muốn bằng cách phân biệt giữa chiến binh Hamas và dân thường, nhưng việc các tay súng Hamas có mặt trong các khu vực dân sự đã góp phần gây áp lực quốc tế buộc Israel phải sớm dừng chiến tranh.

Ngay từ đầu cuộc chiến, Israel đã thích ứng sau khi thấy rằng kế hoạch ban đầu là làm sập các đường hầm bằng các cuộc không kích hoặc phá hủy các lối vào không đạt hiệu quả cao do độ mở rộng và độ sâu của đường hầm cũng như nguy cơ gây nguy hiểm cho con tin.

Thay vào đó, Israel sử dụng camera gắn trên máy bay không người lái (drone) hoặc chó nghiệp vụ và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện mối đe dọa nhằm giúp lực lượng Israel phân tích phương thức đối phó tốt nhất.

Tại Dải Gaza, IDF nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận đối với các hoạt động dưới lòng đất khi tiếp xúc với chiến binh địch. Một sự thích ứng quan trọng là việc triển khai các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình (TTP) mới cho binh lính của họ để cùng lúc chiến đấu trong lòng đất và trên mặt đất, sử dụng thuốc nổ nhằm phá hủy hoàn toàn hoặc làm cho các đường hầm không thể sử dụng được.

Chiến đấu trong lòng đất: Quân đội Mỹ cần phải học hỏi kinh nghiệm Israel ảnh 3
Các tay súng người Palestine trong đường hầm ở Dải Gaza. Ảnh: AP.

Mở rộng chương trình hợp tác chống đường hầm Mỹ-Israel

Xây dựng trên kinh nghiệm chiến đấu trong lòng đất của Mỹ tại các nơi như Afghanistan, Iraq, việc nghiên cứu chiến tranh dưới mặt đất của Israel có thể giúp Mỹ và các quân đội đối tác chuẩn bị cho các chiến dịch chống lại các đối thủ của họ. Như một quan chức phụ trách các chiến dịch đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói, sẽ là “ngu ngốc” nếu cho rằng các cuộc chiến trong tương lai sẽ không bao gồm môi trường tác chiến dưới mặt đất.

Tiếp thu kinh nghiệm của IDF trong việc phối hợp bộ binh trên và dưới mặt đất cũng như với các lực lượng trên không, học thuyết và các TTP của Mỹ đối với chiến tranh trong lòng đất nên nhấn mạnh sự cần thiết phải phát hiện, phân tích, phân biệt, cô lập và tiêu diệt các mối đe dọa.

Với việc quân đội Mỹ cũng đang tìm cách chuyển đổi khi tiếp xúc với kẻ thù, giống như IDF tiếp tục làm, Bộ Quốc phòng Mỹ nên nhấn mạnh chiến đấu dưới mặt đất trong các chương trình hợp tác với Israel về tương lai của chiến tranh, mở rộng chương trình hợp tác chống đường hầm Mỹ-Israel để tài trợ cho các công nghệ tìm kiếm hoặc phá sập đường hầm, và tiến hành các cuộc tập trận trong lòng đất thường xuyên với các lực lượng Israel.

Các cuộc tập trận chung tập trung vào việc di chuyển quân đồng thời trên và dưới mặt đất và sử dụng công nghệ tiên tiến sẽ có giá trị to lớn đối với các nhiệm vụ của Mỹ từ chống khủng bố đến giải cứu con tin.

Chiến đấu trong lòng đất: Quân đội Mỹ cần phải học hỏi kinh nghiệm Israel ảnh 4
Binh sĩ Israel ra khỏi một đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: AP.

Chiến đấu trong lòng đất là một thách thức trong bất kỳ tình huống nào. Tuy nhiên, sự thích nghi thành công của Israel một lần nữa cung cấp một mô hình chuyển đổi cho quân đội Mỹ nghiên cứu.

Theo Breaking Defense

>> Quân đội Mỹ trình danh sách vũ khí Ukraine yêu cầu lên Quốc hội

Ông Trump hứa không cử quân Mỹ tham gia xung đột ở nước ngoài nếu tái đắc cử

Triều Tiên tung bằng chứng UAV Hàn Quốc xâm nhập, phản đối Mỹ-Hàn tập trận chung

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/chien-dau-trong-long-dat-quan-doi-my-can-phai-hoc-hoi-kinh-nghiem-israel-post1686210.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chiến đấu trong lòng đất: Quân đội Mỹ cần phải học hỏi kinh nghiệm Israel
    POWERED BY ONECMS & INTECH