Bất động sản

Chính phủ thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gần 70 tỷ USD

Quốc Chiến 25/07/2024 08:30

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cần phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận về 5 nội dung quan trọng, gồm 2 đề nghị xây dựng luật: Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi) và Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chính phủ thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chính phủ thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Nêu rõ, đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, ngoài số lượng, bảo đảm tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế "xin - cho", giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Về Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị.

Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự án trên (ngày 11/7), Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp; tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp…; từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn.

Đồng thời, dự án sẽ bổ sung 6.300 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho cao tốc Bắc - Nam.

Dự án đường sắt Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố. Bộ GTVT đang đưa ra 3 phương án cho đường sắt tốc độ cao.

Kịch bản 1 tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đường sắt đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì tổng vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

>> 'Sóng gió' trên thượng tầng bất động sản: Làn sóng từ nhiệm bất ngờ của các lãnh đạo doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đưa ra loạt yêu cầu khắt khe về dự án đường sắt tốc độ cao qua 20 tỉnh, thành ở Việt Nam

Lộ diện vị trí dự kiến xây dựng đường sắt tốc độ cao tại Thủ đô Hà Nội

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chinh-phu-thao-luan-ve-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac--nam-gan-70-ty-usd-d128565.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chính phủ thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gần 70 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH