Choáng ngợp hình ảnh tương lai của khu vực là đầu tàu kinh tế Việt Nam: Sở hữu sân bay lớn nhất cả nước, đô thị du lịch đạt chuẩn quốc tế

29-05-2024 04:09|Quốc Chiến

Trong tương lai, khu vực này được kì vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới.

Đầu tháng 5, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2050, khu vực Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ...

Hình ảnh khu vực Đông Nam Bộ trong tương lai được vẽ bởi Ai

Hình ảnh khu vực Đông Nam Bộ trong tương lai được vẽ bởi Ai

Cụ thể, khu vực Đông Nam Bộ sẽ tập trung phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương và thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành; phát triển đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là trung tâm công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, trung tâm giải trí và du lịch cảnh quan sinh thái; xây dựng đô thị sân bay Long Thành là đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế với các chức năng đô thị, dịch vụ, công nghiệp tiêu chuẩn cao; khai thác lợi thế của cảng hàng không trung chuyển quốc tế để tạo động lực phát triển mới.

Đồng thời, phát triển TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ.

>> 'Siêu' dự án đường sắt tốc độ cao hơn 70 tỷ USD nhận chỉ đạo mới từ Bộ Chính trị

Quy hoạch cũng hát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao của vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể: Xây dựng Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Rạch Chiếc tại TP. HCM; xây dựng một số công trình, khu liên hợp thể dục thể thao tại các tỉnh có điều kiện, đủ khả năng tham gia tổ chức các sự kiện thể thao cấp vùng, quốc gia và khu vực.

Về giáo dục, vùng Đông Nam Bộ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, với trung tâm là TP. HCM, có cơ cấu hợp lý, chất lượng đào tạo cao, hiệu quả, công bằng và hiện đại. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia; phát triển các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.

Ngoài ra, khu vực Đông Nam Bộ sẽ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu tại TP. HCM; đầu tư các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hướng tới mục tiêu đưa TP. HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Bên cạnh đó, việc phát triển TP. Vũng Tàu thành trung tâm cấp vùng về dịch vụ, thương mại, đô thị du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, trung tâm dịch vụ cảng biển và dịch vụ dầu khí quan trọng của quốc gia thì quy hoạch cũng xác định khai thác hiệu quả khu vực lấn biển tại Cần Giờ, TP. HCM để hình thành đô thị nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao trên nguyên tắc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Đồng thời, Đông Nam Bộ sẽ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

Phát triển vùng động lực phía Nam TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu bằng kế hoạch nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng; ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; đầu tư các đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM, các tuyến đường bộ cao tốc, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP. HCM với các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng và các đường Vành đai thuộc khu vực TP.HCM.

Cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km, tuyến cao tốc sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng. Bộ Giao thông vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ khoảng 413.000 tỷ đồng.

Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, Vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang trong quá trình xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP. HCM khoảng 40km về hướng Đông. Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn thành tất cả 3 giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

>> Vingroup có động thái mới, bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của công ty con tại Hải Phòng

Hồ nước nhân tạo lớn bậc nhất Việt Nam được ví như 'Hạ Long trên núi' sẽ được quy hoạch tầm cỡ quốc tế

Sửa Luật Thủ đô: ưu tiên thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/choang-ngop-hinh-anh-tuong-lai-cua-khu-vuc-la-dau-tau-kinh-te-viet-nam-so-huu-san-bay-lon-nhat-ca-nuoc-do-thi-du-lich-dat-chuan-quoc-te-d123776.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Choáng ngợp hình ảnh tương lai của khu vực là đầu tàu kinh tế Việt Nam: Sở hữu sân bay lớn nhất cả nước, đô thị du lịch đạt chuẩn quốc tế
POWERED BY ONECMS & INTECH