Biến thể Omicron đã tạo ra các hệ luỵ về mặt kinh tế khiến giá dầu có thể gặp thách thức trong thời gian tới.
Chốt tuần giao dịch, sáng 9/1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1 giao dịch giảm 0,56 USD/thùng, tương đương 0,7%, xuống còn 78,9 USD/thùng. Còn dầu thô Brent giao tháng 2 được giao dịch ở mức 81,75 USD/thùng, giảm 0,29%, tương đương 0,24 USD/thùng.
Các chuyên gia nhìn nhận, giá dầu ngày 9/1 ghi nhận triển vọng không mấy lạc quan, đặc biệt khi các nước châu Á chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và nguồn cung dầu thô tiếp tục được cải thiện, trong khi tác động của biến thể Omicron đối với các hoạt động kinh tế vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Dữ liệu việc làm mới của Mỹ không như kỳ vọng trong bối cảnh thị trường thiếu hụt nguồn nhân lực, cho thấy tình trạng nhiễm Covid-19 đang làm phức tạp và gián đoạn các hoạt động kinh tế. Điều này có thể sẽ nghiêm trọng hơn khi Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới theo ngày ở mức cao kỷ lục.
Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 3/1 với đà tăng mạnh nhờ kỳ vọng các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu được nối lại khi lo ngại về biến thể Omicron bị gạt bỏ.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng 3/1, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,99 USD/thùng, tăng 0,78 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 78,62 USD/thùng, tăng 0,84 USD/thùng trong phiên.
Tâm lý lạc quan của giới đầu tư tiếp tục hỗ trợ giá dầu duy trì trạng thái tăng nhẹ trong những phiên giao dịch sau đó, ngay cả khi OPEC+ quyết định vẫn tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng vào tháng 2/2022.
Theo giới phân tích, điều này có được là do thị trường ghi nhận đánh giá lạc quan về triển vọng dầu thô trong năm 2022 của OPEC+. Báo cáo từ Uỷ ban Kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+, tác động của biến thể Omicron là không lớn và không kéo dài khi các nước đã có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Báo cáo cũng giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 là 4,2 triệu thùng/ngày, và con số của năm 2021 là 5,7 triệu thùng/ngày.
Giá xăng dầu tiếp tục duy trì đà tăng trong những phiên đầu tuần. Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng 7/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 79,54 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 81,95 USD/thùng.
Tuy nhiên, thị trường dầu thô cũng ghi nhận nhiều yếu tố rủi ro đe doạ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Theo dữ liệu vừa được AFP công bố, thời tiết xấu và sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới do biến thể Omicron đã khiến việc di chuyển bằng đường hàng không bị gián đoạn nghiêm trọng tại Mỹ.
Bên cạnh đó, giá khí đốt ở châu Âu lao dốc mạnh có thể khiến quá chuyển đổi nhiên liệu của các nhà sản xuất năng lượng dừng lại, qua đó cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu…