Chủ tịch Trương Gia Bình yêu cầu nhân viên FPT dùng trí tuệ nhân tạo để nâng năng suất lao động thêm 30%/năm
Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình muốn dùng "chiến tranh toàn dân", yêu cầu nhân viên tăng năng suất lao động và bản thân ông là người truyền cảm hứng.
Ngày 3/7, Hội nghị "Tăng cường năng lực quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết" đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE, HNX và hơn 50 công ty niêm yết.
Hội nghị diễn ra trong thời điểm Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực và hành động quyết liệt nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) với mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Trong đó, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp niêm yết cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng quản trị công ty minh bạch gắn với ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Mục đích để đáp ứng các yêu cầu nâng hạng, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi của cổ đông và thu hút dòng vốn đầu tư.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định vai trò của người Chủ tịch là định hướng, đi tiên phong để có thể tuân thủ những yêu cầu cao nhất về quản trị, mà hiện nay đang tiến lên việc quản trị theo tiêu chí ESG. Làm sao để nhân viên thấy công việc mỗi ngày một thú vị, từ đó góp phần gia tăng năng suất lao động.
Ông Bình cho rằng cần dùng công nghệ thông tin trong quản trị, chuyển đổi 3 yếu tố gồm: số, xanh, trí tuệ. Ông yêu cầu nhân viên FPT dùng trí tuệ nhân tạo nâng năng suất lao động thêm 30%/năm
"Chúng tôi dùng chiến tranh toàn dân. Trong đó, vai trò Chủ tịch là truyền cảm hứng chuyển số , các bộ phận back office sau khi tăng trưởng năng suất nhờ trí tuệ nhân tạo sẽ giải phóng 30% nhân lực, thì những nhân lực đó có thể được chọn đi bán chính sản phẩm đã nâng năng suất lên, back office sang front office. Cần có công nghệ trong quản trị, đây cũng yêu cầu không thể thiếu dưới con mắt nhà đầu tư", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Trên thị trường chứng khoán cùng thời điểm, cổ phiếu FPT tăng 2,34% lên 131.000 đồng/cp và đang ở vùng đỉnh lịch sử. Vốn hóa của FPT đạt 191.319 tỷ đồng, cao hơn nhiều ông lớn tên tuổi khác như Vingroup, Hòa Phát, Masan...
FPT cũng là cổ phiếu được khối ngoại săn đón hàng đầu tại TTCK Việt Nam khi liên tục trong tình trạng "kín room". Chỉ trong năm 2024, thị giá FPT đã tăng 58% và tăng hơn 10 lần kể từ thời điểm niêm yết năm 2006.
Về kết quả kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 23.916 tỷ đồng và 4.313 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt 19,9% và 19,5% so với cùng kỳ.
>> Khối ngoại kết thúc đà bán ròng gần 5.000 tỷ đồng cổ phiếu FPT
Nhận định chứng khoán 4/7: Các CTCK đồng thuận thị trường tích cực
Liên danh T&T Group - CIENCO4 (C4G) chuẩn bị khởi công Cảng hàng không Quảng Trị