Chưa từng có trong lịch sử: Mực nước biển ở Trung Quốc dâng cao đột ngột, hàng chục xe ô tô bị nước lũ cuốn trôi, chính quyền ra thông báo khẩn cấp
Nguyên nhân nào đã gây ra hiện tượng thủy triều bất ngờ ở bờ biển phía Đông Trung Quốc?
Sự kiện thời tiết cực đoan không lường trước được vào tối ngày 21/10 đã khiến phần lớn khu vực bờ biển phía Đông Trung Quốc chìm trong nước.
Vào cuối buổi tối thứ Hai (21/10), dọc theo bờ biển Bột Hải ở Đông Bắc Trung Quốc, mực nước bắt đầu dâng cao như bình thường khi thủy triều lên. Nhưng điều gây ngạc nhiên là nước không rút xuống trở lại mà vẫn tiếp tục dâng cao.
Thủy triều dâng đã tràn qua một số vùng ven biển ở các tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc, cũng như thành phố Thiên Tân, nằm cách thủ đô Bắc Kinh hơn 100km về phía Đông Nam. Nước nhanh chóng tràn vào các khu vực nội địa, khiến chính quyền địa phương phải đưa ra thông báo khẩn cấp.
Fu Cifu, người đứng đầu Văn phòng Dự báo Bão dâng tại Trung tâm Dự báo Môi trường Biển Quốc gia, cho biết: "Trong điều kiện không có gió mạnh và sóng lớn, mực nước dâng cao đột ngột trên một khu vực rộng lớn như vậy chưa từng được ghi nhận trong nước hay quốc tế".
Hiện tượng này diễn ra rất mạnh và kéo dài, với mực nước duy trì ở mức cao hơn bình thường khoảng 1m trong hơn 20 giờ. Nhiều trạm đo thủy triều ở Liêu Ninh đã báo cáo mức nước dâng phá kỷ lục.
Tác động của hiện tượng này cũng được cảm nhận ở nhiều nơi khác trên cả nước. Dòng nước biển chảy ngược xuống bờ biển Hoàng Hải ở tỉnh Giang Tô, cũng như bờ biển Hoa Đông ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến.
Tại nhiều khu vực ở Hồng Kông và Macau, thủy triều cao hơn bình thường 30cm.
Người dân dọc theo bờ biển đã đăng tải loạt video lên mạng cho thấy những con đường bị ngập. Tại các thành phố Đại Liên, Dinh Khẩu, Bàn Cẩm, Cẩm Châu và Hồ Lô Đảo, một số tòa nhà bị ngập khiến người dân phải chạy đến những khu vực cao hơn.
Chuyên gia Fu nói: “Đây là một lời nhắc nhở cho chúng ta. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy đến một cách lặng lẽ mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn về các loại thảm họa tự nhiên mới”.
Khi mực nước dâng cao, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp cấp độ 4 đối với các thảm họa biển. Năm nhóm chuyên gia cũng được điều động để kiểm tra và khảo sát mực nước cao ở các khu vực địa phương và đánh giá thiệt hại.
Một nhóm đam mê khí tượng học nghiệp dư, được gọi là "China Weather Fans," đã đăng một video cho rằng sự kiện này chủ yếu là kết quả của sự hội tụ hiếm có giữa các yếu tố thiên văn, khí tượng, hải dương học và địa hình.
Họ giải thích: "Đầu tiên, ngày 20/10 đánh dấu thời điểm xảy ra thủy triều thiên văn mạnh nhất trong năm. Thứ hai, siêu trăng vừa kết thúc gần đây, nâng mực nước thủy triều lên thêm 20cm. Thứ ba, sự suy yếu gần đây của khối không khí lạnh ở phía Bắc đã khiến áp suất khí quyển ở mực nước biển giảm, tự nhiên dẫn đến mực nước biển dâng cao. Cuối cùng, một đợt sóng thủy triều hình thành ở Thái Bình Dương trùng khớp với những thay đổi này khi nó tiến đến Vịnh Bột Hải".
Theo một chuyên gia giấu tên từ Bộ Tài nguyên Thiên nhiên, hiện tượng mực nước dâng cao bất thường chủ yếu là do sự kết hợp của dao động nước dâng do bão và thủy triều thiên văn bắt đầu từ vài ngày trước đó.
Một luồng không khí ấm và ẩm đã di chuyển về phía Bắc dọc theo sông Hoàng Hà, va chạm với khối không khí lạnh di chuyển về phía Nam ở khu vực Bột Hải và tạo thành một cơn bão xoáy - tương tự như bão nhiệt đới - gây ra hiện tượng nước dâng.
"Dao động bắt đầu ở Vịnh Bột Hải vào ngày 19/10, lan về phía Nam đến Sơn Đông và sau đó dội ngược lại Liêu Ninh, nơi nó gặp thủy triều cao, dẫn đến hiện tượng nước biển chảy ngược", chuyên gia cho biết.
Tính đến ngày 23/10, nước lũ ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như thành phố Bàn Cẩm phần lớn đã rút, giao thông trở lại bình thường và không có thương vong nào được báo cáo.
Theo SCMP