Chuẩn bị xây dựng siêu máy tính AI có khả năng thực hiện 400 triệu tỷ phép tính/giây
Sau khi đi vào vận hành, Nexus không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề Khoa học hóc búa nhất hiện nay mà còn mở ra khả năng khám phá những lĩnh vực mà giới nghiên cứu hiện tại vẫn chưa hình dung tới.
Cộng đồng nghiên cứu Mỹ sắp nhận được một cú huých lớn từ trí tuệ nhân tạo (AI) khi Viện Công nghệ Georgia (Georgia Tech) và các đối tác vừa giành được khoản tài trợ 20 triệu USD từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) để phát triển Nexus. Đây là một trong những siêu máy tính mạnh nhất nước Mỹ, được thiết kế nhằm tăng tốc độ khám phá khoa học thông qua AI.
Khi hoàn thiện vào mùa xuân năm 2026, Nexus sẽ đạt hiệu suất hơn 400 triệu tỷ phép tính mỗi giây – tương đương với việc toàn bộ dân số thế giới cùng lúc thực hiện 50 triệu phép tính mỗi giây.
Nexus được thiết kế chuyên biệt cho các tác vụ trí tuệ nhân tạo và tính toán hiệu suất cao (HPC). Hệ thống sẽ hỗ trợ giải quyết các thách thức phức tạp trong nhiều lĩnh vực, từ khám phá thuốc mới, năng lượng sạch, mô hình khí hậu đến đổi mới trong lĩnh vực robot.
"Georgia Tech tự hào là một trong những trung tâm hàng đầu về đào tạo nhân lực và công nghệ AI – những yếu tố đang làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Việc được lựa chọn làm nơi đặt siêu máy tính này là một vinh dự lớn, và sẽ mở đường cho làn sóng đổi mới dựa trên AI trên khắp nước Mỹ. Chúng tôi rất biết ơn NSF và sẵn sàng bắt tay vào công việc", ông Ángel Cabrera, Chủ tịch Georgia Tech phát biểu.
Không giống các siêu máy tính truyền thống, Nexus hướng đến tính tiếp cận cao. Các nhà nghiên cứu trên toàn quốc – không chỉ từ các trung tâm công nghệ lớn – có thể nộp đơn xin truy cập hệ thống thông qua quy trình đánh giá của NSF.
Hệ thống còn được tích hợp giao diện thân thiện, giúp các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực dễ dàng sử dụng các công cụ AI tiên tiến.
“Cách tiếp cận mới của Nexus – kết hợp giữa hỗ trợ dịch vụ khoa học liên tục với mô hình tính toán hiệu suất cao truyền thống – sẽ tạo ra những quy trình AI và khoa học hoàn toàn mới, rút ngắn thời gian dẫn đến khám phá. Chúng tôi kỳ vọng Nexus sẽ là một phần quan trọng trong hệ sinh thái tính toán tiên tiến của NSF phục vụ cộng đồng nghiên cứu”, bà Katie Antypas, Giám đốc Văn phòng Hạ tầng mạng tiên tiến thuộc NSF cho biết.

Bộ não siêu tốc, khoa học siêu nhanh
Bên cạnh sức mạnh xử lý vượt trội, Nexus còn sở hữu dung lượng bộ nhớ và lưu trữ khổng lồ: 330 nghìn tỷ byte bộ nhớ và 10 triệu tỷ byte lưu trữ flash, tương đương với khoảng 10 tỷ xấp giấy 500 tờ. Nếu xếp chồng các tập giấy này, chúng sẽ tạo thành một cột cao hơn 500.000km – đủ để vươn từ Trái Đất tới Mặt Trăng và quay ngược lại 1/3 chặng đường.
Với quy mô này, Nexus có thể xử lý các bộ dữ liệu khổng lồ và các vấn đề khoa học phức tạp trong thời gian ngắn hơn nhiều so với trước đây. Nó cũng được trang bị hệ thống truyền dữ liệu siêu nhanh, giúp giảm thiểu thời gian chờ và tối ưu hóa thời gian cho nghiên cứu.
Dự án là kết quả của sự hợp tác cấp quốc gia, trong đó Georgia Tech phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Siêu máy tính Quốc gia (NCSA) tại Đại học Illinois Urbana-Champaign. Hai hệ thống sẽ được kết nối qua mạng tốc độ cao, hình thành nên hạ tầng nghiên cứu AI dùng chung trên toàn nước Mỹ.
“Siêu máy tính này sẽ giúp san bằng khoảng cách công nghệ. Nó được thiết kế để biến những công cụ AI mạnh mẽ thành thứ dễ sử dụng hơn, tiếp cận được với nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều nơi hơn”, ông Suresh Marru - Giám đốc Trung tâm AI trong Khoa học và Kỹ thuật (ARTISAN) của Georgia Tech, đồng thời là điều phối viên chính của dự án Nexus cho biết.
Việc xây dựng Nexus sẽ được khởi công ngay trong năm nay. Khoảng 10% công suất hệ thống sẽ được dành riêng cho nghiên cứu nội bộ tại Georgia Tech, trong khi phần còn lại sẽ được phân bổ thông qua hệ thống xét duyệt của NSF.
Sau khi đi vào vận hành, Nexus không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề Khoa học hóc búa nhất hiện nay mà còn mở ra khả năng khám phá những lĩnh vực mà giới nghiên cứu hiện tại vẫn chưa hình dung tới.
Dự án Nexus được xem là bước tiếp nối từ những thành công trước đó của Georgia Tech, đặc biệt là dự án tiền nhiệm mang tên HIVE, cũng như trung tâm dữ liệu tiên tiến CODA tại trường. “Với Nexus, Georgia Tech chính thức gia nhập hàng ngũ các trung tâm siêu máy tính học thuật hàng đầu thế giới. Đây là thành quả của nhiều năm chuẩn bị và hoạch định”, ông Srinivas Aluru, Giáo sư danh dự và Phó trưởng khoa tại Trường Khoa học Máy tính Georgia Tech chia sẻ.
Tham khảo IE