Chuỗi dự án điện khí gần 12 tỷ USD nằm ở thềm lục địa Việt Nam có chuyển động mới
Đây là một trong những dự án khí - điện nội địa có quy mô lớn nhất Việt Nam
Vừa qua, lễ ký kết hợp đồng tư vấn gói thầu khảo sát xây dựng và lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III đã diễn ra giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đại diện bởi Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1, và Liên danh Nhà thầu gồm CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và CTCP Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lạc Thái Phước, Tổng giám đốc PECC3, nhấn mạnh rằng gói thầu này đóng vai trò then chốt trong tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III. Do đó, vấn đề chất lượng và tiến độ thực hiện dự án phải được đặt lên hàng đầu.
Với việc gói thầu FS của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III được triển khai, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ sớm có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID). Qua đó, kỳ vọng mở ra thời kỳ phát triển mới với toàn ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thượng nguồn như Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling (mã chứng khoán: PVD), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS)…
Được biết, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khí - điện nội địa có quy mô lớn nhất Việt Nam, bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và bốn nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn).
Dự án này có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn từ cả nước ngoài như MOECO, PTTEP, Marubeni (Nhật Bản và Thái Lan) và các doanh nghiệp Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2 và WTO. Tổng vốn đầu tư cho chuỗi dự án lên tới gần 12 tỷ USD.
>> TP trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam chuẩn bị ‘bơm’ thêm 45 dự án để mở rộng không gian đô thị
Chuỗi dự án này nằm ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực trũng Bể Malay - Thổ Chu, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300km và cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400km, với độ sâu nước biển khoảng 77m.
Toàn bộ nguồn khí từ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, để cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, II, III và IV với tổng công suất khoảng 3.810MW. Ngoài ra, nguồn khí này cũng có thể được sử dụng để cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.
Trong giai đoạn hoạt động ổn định, chuỗi dự án Lô B dự kiến cung cấp khoảng 5,06 tỷ m3 khí mỗi năm, tạo ra khoảng 22 tỷ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III đóng vai trò quan trọng trong chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn. Theo Quy hoạch Điện VIII, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại vào quý 2 năm 2030.
>> Một phân khúc bất động sản đang thay đổi 'cuộc chơi' bán lẻ tại Việt Nam