Sabeco mặc dù báo lãi kỷ lục trong năm 2022 song ngày càng bị đối thủ chính - Heineken - bỏ lại. Trong phần thảo luận tại ĐHCĐ mới đây, câu chuyện làm thương hiệu - cạnh tranh thị phần đã trở thành tâm điểm chất vấn của cổ đông SAB trong 1 giờ đồng hồ.
Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết Sabeco - góc nhìn thời "chủ ngoại": Mỗi ngày "đốt" 5,3 tỷ đồng tiền quảng cáo vẫn bị Heineken "qua mặt", bên cạnh câu chuyện kinh doanh, bài toán làm thương hiệu, đánh chiếm thị phần và tiếp tục cạnh tranh với đối thủ Heineken đã trở thành vấn đề được nhiều cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên 2023 ngày 27/4 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn - Sabeco (Mã SAB - HOSE) đề cập.
Tại Đại hội, cổ đông hỏi: Tính cạnh tranh của thị trường bia Việt Nam hiện như thế nào khi bia nhập ngoại ngày càng tăng và các đối thủ trong nước cũng đang cho ra mắt nhiều sản phẩm mới? Có phải thị phần Sabeco đã giảm? Công ty ứng phó như thế nào để duy trì thị phần trong 2 - 3 năm tới?
Đại diện SAB cho biết: "Thị trường bia đang cạnh tranh rất khốc liệt. Thị phần của chúng ta cũng đã gia tăng trong những năm vừa qua. Vì vậy, Sabeco vẫn phải tiếp tục thực hiện những gì đã và đang làm từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 của hành trình chuyển đổi, giúp công ty ngày càng chuyên nghiệp hơn và vươn tầm quốc tế. Chúng tôi sẽ không chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà trên tất cả các trụ cột chiến lược, từ bán hàng đến tiếp thị, chuỗi cung ứng, sản xuất, con người và quản trị.
Tất cả những nỗ lực này sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của chúng ta, giúp chúng ta giành được thị phần trong tương lai".
Cũng trong lộ trình mở rộng hoạt động sản xuất, hồi đầu tháng 2/2023, HĐQT Sabeco đã thông qua chủ trương triển khai đề xuất nâng tỷ lệ của tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tân (Sabibeco) và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn qua đó biến 2 doanh nghiệp này này thành công ty con của Sabeco.
Được biết Sabibeco thành lập năm 2005 - hoạt động chính là sản xuất bia với 6 nhà máy thành viên trong khi Bao bì Sài Gòn thành lập năm 2007 với hoạt động chính là sản xuất lon nhôm và thùng giấy bao bì.
Thời điểm cuối tháng 3/2023, Sabeco đang góp 50 tỷ đồng vốn đầu tư tại Bao bì Sài Gòn và gần 191 tỷ đồng vốn góp tại Sabibeco (tỷ lệ 31,8% vốn).
Liên quan đến vấn đề này, cổ đông hỏi Tại sao Sabeco lại tăng tỷ lệ sở hữu ở 2 công ty trên?
Diễn biến khác, Sabeco vừa đăng ký mua thêm 2,8 triệu cổ phần CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (Mã WSB - UPCoM) từ 26/4 - 25/5/2023 nhằm tăng lượng nắm giữ từ gần 7,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 51%) lên 10,23 triệu đơn vị (tỷ lệ 70,55%). |
Phúc đáp, lãnh đạo SAB nhấn mạnh: "Với việc nắm giữ tỷ lệ chi phối, chúng tôi có thể hợp nhất doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận. Thông qua sự phối hợp, chúng tôi có thể cải thiện hơn nữa năng suất hoạt động của các nhà máy bia. Sabibeco có hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như danh mục thương hiệu tốt và có thể giúp ích cho Sabeco.
Theo người viết, Sabeco có thế mạnh trong các thương vụ M&A nhờ lượng tiền mặt dồi dào khi tại thời điểm cuối quý 1/2023, công ty đang sở hữu 20.360 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn (trong khi vay nợ tài chính chỉ ở mức 932 tỷ đồng).
Cổ đông hỏi: Năm 2022, Sabeco triển khai nhiều chương trình marketing, mở rộng nhiều điểm bán hàng cho kênh tiêu thụ tại chỗ. Do đó, chi phí bán hàng năm 2022 tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy việc đầu tư vào các hoạt động này giúp sản lượng bán hàng và thị phần thay đổi như thế nào?
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 của Sabeco |
Trả lời, đại diện Sabeco cho biết: "Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và chúng tôi phải chi tiêu nhiều hơn trước để chiến đấu.
Nhiều người xem đầu tư cho marketing là một chi phí... còn chúng tôi xem đó là một khoản đầu tư. Chúng tôi tin rằng những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn và lợi nhuận lớn hơn nữa trong dài hạn.
Khi chúng ta có sản phẩm tốt, chúng ta sẽ không phải mang sản phẩm đến người tiêu dùng mà tự họ sẽ đến với chúng ta. Nếu thương hiệu đủ mạnh, chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc trữ hàng vì nhà phân phối sẽ tự tìm đến chúng ta.
Chúng tôi phải tiếp tục làm tốt những gì chúng tôi đang làm ngày hôm nay và cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận".
Tiếp tục câu chuyện về đánh chiếm thị phần, cổ đông hỏi: Kế hoạch mở rộng thị trường miền Bắc của Sabeco ra sao? Với việc Heineken và Habeco đang chiếm thị phần lớn tại thị trường miền Bắc, Sabeco có chiến lược gì để cạnh tranh?
Lãnh đạo công ty chia sẻ: "Ban Điều hành xin cảm ơn tất cả các nguyên lãnh đạo Sabeco vì đã xây dựng một nền tảng tốt để công ty phát triển và lớn mạnh trong những năm qua.
Trong 5 - 8 năm trở lại đây, thị phần của Sebeco tại miền Bắc đã tăng hơn 2 lần. Sabeco đang nắm giữ vị trí thứ 2 về thị phần ở miền Bắc và đang tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đang đầu tư vào nhãn hàng và yếu tố con người ở khu vực này; các kế hoạch và chiến lược hiện tại đang chứng minh được hiệu quả bởi thị phần của chúng ta tại miền Bắc đang tăng nhanh hơn bất kỳ địa phương nào khác tại Việt Nam".
Với chủ đề về tiêu thụ và giá bán, cổ đông hỏi: Triển vọng nhu cầu tiêu thụ bia trong các quý tới như thế nào? Khi nào tình hình tiêu thụ bia hồi phục? Ngành du lịch có đóng góp quan trọng vào nhu cầu tiêu thụ bia không? Công ty có dự định tăng giá bán trong năm nay và ảnh hưởng của việc tăng giá bán đến tỷ suất lợi nhuận là như thế nào?
Lãnh đạo Sabeco cho biết: "Hiện nay, với việc ổn định thị trường tài chính và nhu cầu thế giới phục hồi, xuất khẩu của đất nước tăng trưởng sẽ giúp phục hồi tình hình tiêu thụ.
Còn về du lịch, lượng khách hồi phục không đồng nghĩa với lượng bia khách tiêu thụ tăng lên mà nó có nghĩa rằng những người làm trong ngành du lịch, khách sạn sẽ có việc làm và thu nhập của họ sẽ tăng.
Về câu chuyện giá bán, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng vì vấn đề này còn phụ thuộc vào sự cạnh tranh và tình hình thị trường. SAB sẽ cố gắng duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2023 (năm 2022 ở mức 30,6% - người viết).
Cổ đông hỏi: Công ty vui lòng chia sẻ tỷ trọng hiện tại của phân khúc cận cao cấp trên tổng sản lượng. Thị phần của Bia Saigon Chill hiện đang là bao nhiêu?
Theo Sabeco: "Phân khúc cận cao cấp hiện chiếm hơn 20% tổng sản lượng toàn thị trường bia. Danh mục sản phẩm cận cao cấp của chúng ta không chỉ có Bia Saigon Chill mà còn có Bia Saigon Special.
So với thương hiệu đang dẫn đầu, thị phần của chúng ta còn nhỏ song công ty vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Tất cả các thương hiệu của SAB đều đang có mức tăng trưởng tốt và chúng tôi tin rằng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục trong những năm tới đây.
Cũng trong chủ đề "đánh chiếm thị phần bia Việt", cổ đông hỏi: Tại sao rất nhiều quán bia/nhà hàng lớn ở TP. HCM lại không có Bia Saigon? Ban điều hành có kế hoạch gì để đưa các sản phẩm Bia Saigon vào những mô hình kinh doanh này? Công ty có muốn mở rộng kênh phân phối bán hàng ở các cửa hàng truyền thống?
Phúc đáp, lãnh đạo Sabeco chia sẻ: "Đối thủ của chúng ta rất mạnh tại TP. HCM (Heineken - người viết) và thị phần của họ hiện đang cao nhất trên thế giới. Trong vài năm qua, chúng ta đã gia tăng thị phần của mình. Đối thủ của chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ thị phần trong khi chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công.
Trên thực tế, có rất nhiều nhà hàng ở TP. HCM bán Bia Saigon và chúng tôi đã thấy được sự cải thiện lớn so với trước đây. Với các khoản đầu tư trụ cột, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong những tháng tới".
Mất trắng vốn, Sabeco quyết thoái sạch khỏi một công ty liên kết
Một cổ phiếu sàn HoSE phá đỉnh lịch sử sau khi chốt trả cổ tức bằng tiền cao kỷ lục