Xã hội

Chuyên gia an ninh mạng ra khuyến cáo 'nóng', người dân lưu ý!

Minh Phát 09/07/2025 18:10

Trước tình trạng xuất hiện hàng loạt bài đăng giả mạo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa các bệnh viện lớn tại Việt Nam, chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng dành cho người dân.

Những chiêu trò tinh vi đánh vào lòng trắc ẩn của người dân

Từ đầu năm 2025, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, liên tục xuất hiện các bài đăng giả mạo kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam. Những bài viết này được dàn dựng tinh vi, sử dụng hình ảnh và câu chuyện gây xúc động mạnh để đánh vào lòng trắc ẩn, đồng thời thay đổi số tài khoản nhận tiền và thông tin bệnh nhân nhằm qua mặt người dùng. Mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản và làm tổn hại uy tín của các hoạt động thiện nguyện chính thống.

Theo Thời báo VTV, nhiều fanpage mạo danh các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Thanh Hóa hay Thủ Đức đều sử dụng chung hình ảnh một bé gái tên An, sinh năm 2023, được cho là mắc bệnh hiếm Wiskott Aldrich. Câu chuyện còn được thêm thắt chi tiết bi kịch gia đình như cái chết của cha và mẹ cụt chân để tăng tính thuyết phục. Mỗi bài đăng lại đi kèm một số tài khoản ngân hàng khác nhau, cho thấy sự sắp đặt có chủ đích.

Chuyên gia an ninh mạng ra khuyến cáo 'nóng', người dân lưu ý! - ảnh 1
Nhiều fanpage mạo danh các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Thanh Hóa hay Thủ Đức đều sử dụng chung hình ảnh một bé gái tên An, sinh năm 2023, được cho là mắc bệnh hiếm Wiskott Aldrich

Các trang giả mạo còn đẩy mạnh quảng cáo, tăng tương tác để lan tỏa thông tin. Khi nhận được tiền ủng hộ, chúng nhanh chóng xóa fanpage, tạo tài khoản mới và tiếp tục chuỗi lừa đảo dưới hình thức khác. Một số fanpage giả thậm chí có lượt theo dõi cao hơn trang chính thức vì sao chép gần như nguyên bản nội dung và hình ảnh từ các bệnh viện thật.

Không dừng lại ở các chiến dịch từ thiện, các đối tượng còn lập fanpage giả mạo Bộ Y tế để tổ chức “khóa đào tạo tâm lý miễn phí” cho phụ huynh và trẻ em, sử dụng logo và hình ảnh của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm đánh lừa người dùng. Người đăng ký bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại và cả số tài khoản ngân hàng dưới danh nghĩa “xác thực danh tính”. Cục Bà mẹ và Trẻ em xác nhận đây là hành vi mạo danh và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết hình ảnh đội ngũ y tế bị sử dụng trái phép.

Chuyên gia an ninh mạng ra khuyến cáo 'nóng', người dân lưu ý! - ảnh 2
Những chiêu trò tinh vi đánh vào lòng trắc ẩn của người dùng MXH

Chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo

Chia sẻ với Báo Hà Nội mới, anh Lê Phước Hòa, chuyên gia an ninh mạng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo (chongluadao.vn) cho biết, hiện nay các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, có tổ chức và được dàn dựng kỹ lưỡng. Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh thật về những hoàn cảnh éo le để khơi gợi sự thương cảm, từ đó dụ dỗ người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

"Người dân cần tỉnh táo, không nên tin mù quáng vào các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là những bài viết gây xúc động mạnh. Hãy luôn kiểm tra nguồn phát thông tin, xác thực qua các trang có dấu xác minh (tick xanh) và gọi trực tiếp đến bệnh viện hoặc tổ chức nếu có nghi ngờ", chuyên gia Lê Phước Hòa nhấn mạnh.

Anh cũng đề nghị các nền tảng mạng xã hội, điển hình như Facebook, cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung, nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ các tài khoản, trang mạo danh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng lòng tốt để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ về cách phòng ngừa trên Thời báo VTV, anh Hòa khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, không tin tưởng mù quáng vào những thông tin trên mạng xã hội mà cần xác minh thông tin với các kênh chính thức của bệnh viện, như liên hệ trực tiếp hoặc qua số hotline. Đối với các cơ quan chức năng, bệnh viện và tổ chức an ninh mạng, cần tăng cường hợp tác để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo này.

Chuyên gia an ninh mạng ra khuyến cáo 'nóng', người dân lưu ý! - ảnh 3
Anh Lê Phước Hòa, chuyên gia an ninh mạng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo

Trước tình trạng lừa đảo ngày càng phức tạp, nhiều bệnh viện đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ người dân. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lực lượng nhân viên y tế được bố trí tại các bàn hướng dẫn và khu vực cổng ra vào để hỗ trợ, đồng thời hệ thống loa liên tục phát thông báo cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo.

Song song với đó, bệnh viện phối hợp chặt chẽ với công an địa phương nhằm phát hiện và xử lý các đối tượng giả danh y, bác sĩ hoặc chèo kéo người bệnh. Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo, người dân chỉ nên tiếp cận thông tin từ các kênh chính thức như website hoặc fanpage đã được xác thực. Trong bất kỳ tình huống nào, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện giao dịch tài chính nếu chưa xác minh rõ ràng.

Hành vi mạo danh bệnh viện để lừa đảo không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn "đánh cắp" lòng tin và lòng tốt trong xã hội. Khi lòng trắc ẩn bị lợi dụng, hậu quả không chỉ là thiệt hại về tiền bạc mà còn gây tổn thương sâu sắc đến niềm tin vào các hoạt động y tế và thiện nguyện chân chính. Việc nâng cao cảnh giác, chủ động chia sẻ thông tin cảnh báo và kịp thời tố giác hành vi đáng ngờ chính là cách tốt nhất để mỗi người tự bảo vệ mình và cộng đồng trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Tổng hợp

Ảnh: Internet

>> Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC ra cảnh báo quan trọng đến người dùng Google Maps

Công an phát cảnh báo quan trọng, người dân nhận được cuộc gọi này lưu ý!

Công an phát cảnh báo quan trọng liên quan đến ‘Bệnh viện Hà Thành’

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chuyen-gia-an-ninh-mang-ra-khuyen-cao-nong-nguoi-dan-luu-y-146239.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia an ninh mạng ra khuyến cáo 'nóng', người dân lưu ý!
    POWERED BY ONECMS & INTECH