Vĩ mô

Chuyên gia: Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhập khẩu vàng còn không bằng thuốc lá và rượu ngoại

Phúc Lam 28/08/2024 - 15:03

Nhập khẩu vàng đang là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Sau những động thái can thiệp mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước, sức hút của vàng đã giảm đi rõ rệt. Giá vàng SJC hiện đã thu hẹp khoảng cách đáng kể so với giá vàng quốc tế, chỉ còn chênh lệch khoảng 4-5 triệu đồng mỗi lượng.

Dù đã có nhiều cải cách từ Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường vàng, việc mua vàng SJC trực tuyến vẫn đang gặp phải không ít rắc rối. Điều này tạo cơ hội cho thị trường "chợ đen" hoạt động rất sôi nổi và tinh vi. Trong khi giá bán vàng miếng SJC tại 5 đơn vị được ấn định bởi NHNN vẫn duy trì ổn định, thì trên thị trường không chính thức, giá vàng thường xuyên bị đẩy lên cao hơn nhiều so với mức niêm yết chính thức.

Sự chênh lệch này không chỉ tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa giá vàng chính thức và giá trên "chợ đen," mà còn kích thích một làn sóng các giao dịch chui. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng dài trước các điểm bán vàng của ngân hàng để mua vàng với giá niêm yết thấp hơn, sau đó bán lại trên thị trường "chợ đen" với mức giá cao hơn, thu lợi từ sự chênh lệch này.

Tình trạng này không chỉ làm dấy lên lo ngại về sự biến động giá vàng mà còn phản ánh sự khan hiếm và căng thẳng trong việc tiếp cận vàng SJC. Các chiêu thức tinh vi và sự mạo hiểm của những người đầu cơ vàng trên "chợ đen" làm cho bức tranh thị trường vàng trở nên vô cùng phức tạp.

Tình trạng thuê người xếp hàng để mua vàng đã trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến và gây bức xúc. Những người được thuê không chỉ xếp hàng tại một ngân hàng mà còn di chuyển liên tục giữa các điểm bán để mua gom vàng. Họ tận dụng sự thiếu hụt nguồn cung để tạo ra nguồn hàng khan hiếm và bán lại với giá cao trên thị trường "chợ đen".

Hệ quả là nhiều người dân, vốn chỉ muốn sở hữu vàng để đầu tư hoặc tích lũy, thường xuyên phải mua với giá cao hơn rất nhiều trên thị trường không chính thức vì không thể tiếp cận được vàng qua kênh ngân hàng.

Chuyên gia: Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhập khẩu vàng còn không bằng thuốc lá và rượu ngoại
Người dân xếp hàng dài mua vàng ở Ngân hàng - Ảnh: Internet

Điều này đã dẫn đến nhiều quan điểm cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên giữ quyền độc quyền sản xuất vàng miếng. Thay vào đó, việc cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng có thể giúp cân bằng cung-cầu, giảm bớt tình trạng khan hiếm và đáp ứng nhu cầu của người dân một cách hiệu quả hơn

Phát biểu bên lề hội nghị Kim loại quý Châu Á Thái Bình Dương (APPMC), ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết sẽ chính thức nhập khẩu vàng vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới. Ông bày tỏ hy vọng các công ty sẽ được nhập khẩu vàng trực tiếp dưới sự cho phép của Chính phủ.

Ông Khánh nhận định: “Đã đến lúc cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng về để chế tác trang sức. Có ngành nào mà không có nguyên liệu mà vẫn sản xuất được?”

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng cung là giải pháp để giảm chênh lệch giá vàng. Đồng thời, ông khẳng định nhập khẩu vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái.

Để khẳng định cho quan điểm của mình, ông Nghĩa chỉ ra: “Ước tính khối lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam rơi vào khoảng 50 – 60 tấn, tương đương khoảng 3 tỷ USD. 3 tỷ USD là con số không quá lớn so với nhập khẩu rượu lậu vào Việt Nam. Còn nếu so với nhập khẩu mỹ phẩm, cả chính ngạch lẫn nhập lậu, cũng vượt quá 3 tỷ USD. Nếu so sánh tương đương, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhập khẩu vàng còn không bằng thuốc lá và rượu ngoại”.

Theo thống kê từ Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước của Việt Nam hiện chỉ khoảng 50 tấn mỗi năm. Con số này tương đương khoảng 2,5 - 3 tỷ USD, con số này chỉ là một phần nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, vốn đã lên đến gần 200 tỷ USD và so với dự trữ ngoại tệ của NHNN là 100 tỷ USD. Sự chênh lệch này cho thấy tiềm năng lớn chưa được khai thác trong việc mở rộng nhập khẩu vàng để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cùng quan điểm ủng hộ việc nhập khẩu vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Hãy để thị trường vàng vận hành theo quy luật cung cầu vốn có”. Ông Hiếu cho rằng người mua vàng đang gặp những khó khăn nhất định trong việc mua vàng do những quy định mà các ngân hàng đang đặt ra. Ông khẳng định thêm, dù giá vàng có giảm những khó mua cũng khiến thị trường có nhiều “biến tướng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc nhập khẩu vàng, nhiều ý kiến cho rằng việc nhập khẩu vàng cần có sự tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. GS-TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM thể hiện sự lo ngại về sự mất giá của đồng tiền khi nhập khẩu vàng.

Ông nêu dẫn chứng về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2010-2020. Trong giai đoạn này, để giải quyết nhu cầu vàng tăng cao và hướng tới mục đích giá vàng trong nước và thế giới được liên thông với nhau, đất nước này cũng sử dụng biện pháp tăng cường nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đưa ra quyết định cấm nhập khẩu vàng, chỉ được tạm nhập và tái xuất vì đồng tiền của quốc gia này ngày càng mất giá do sự hao hụt về ngoại tệ.

>>Giá vàng sẽ tiếp tục tăng: ‘Đã đến lúc để doanh nghiệp nhập khẩu vàng’

Được một loạt siêu cường hỗ trợ, Việt Nam đứng trước cơ hội vàng để khai thác 'kho báu' 10.000 tỷ USD

Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Việt-Trung: Mừng nhiều hơn lo

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-anh-huong-den-ty-gia-hoi-doai-cua-nhap-khau-vang-con-khong-bang-thuoc-la-va-ruou-ngoai-246964.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia: Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của nhập khẩu vàng còn không bằng thuốc lá và rượu ngoại
    POWERED BY ONECMS & INTECH