Câu chuyện đầu tư

Chuyên gia chỉ cách để EVN hết lỗ trong năm 2025

Thu Huyền 13/09/2024 11:00

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thua lỗ 2 năm liên tiếp, mức lũy kế tính đến ngày 30/6/2024 lên đến 52.016 tỷ đồng.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây vừa công bố báo cáo ngành điện, dự báo về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm công ty thủy điện trong năm 2025.

Theo VDSC, sản lượng các công ty thủy điện sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024, và kết quả kinh doanh của các công ty này sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025. Nguyên nhân là chu kỳ chuyển pha La Nina bắt đầu từ tháng 9/2024 và giá bán điện bình quân của các công ty thủy điện trong năm 2025 khó có khả năng giảm so với năm 2024, thậm chí có khả năng tăng nếu tình hình tài chính của EVN được cải thiện.

EVN phải tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% trong năm 2025 mới có thể hòa vốn
Sản lượng tiêu thụ điện tăng dần qua các năm

Với nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, VDSC kỳ vọng sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng trưởng đáng kể, đạt 275 tỷ kWh (tăng 9,5%) vào năm 2024 và 297 tỷ kWh (tăng 8%) vào năm 2025.

Trong năm 2025, đóng góp của thủy điện sẽ tăng lên nhờ thời tiết thuận lợi, ngoài ra nhiệt điện khí LNG sẽ có vai trò lớn do nhiệt điện than đã gần đạt công suất tối đa (30,1 MW cho đến năm 2030, trong khi 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt 29,5 MW). Mặt khác, năng lượng tái tạo mới vẫn chờ cơ chế chính sách hoàn thiện và điện khí thiên nhiên đang gặp vấn đề về nguồn cung.

EVN phải tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% trong năm 2025 mới có thể hòa vốn
Ngành thủy điện và điện khí được dự báo sẽ chiếm vai trò lớn trong thời gian tới

Sản lượng các công ty thủy điện dự báo sẽ tăng mạnh nhờ chu kỳ thủy văn thuận lợi. Chu kỳ La Nina mang lại sản lượng thủy điện cao hơn El Nino khoảng 10-20%, do chi phí sản xuất của thủy điện thấp hơn so với các loại hình phát điện khác.

Cụ thể, chi phí sản xuất điện của thủy điện và giá bán điện của họ là thấp nhất trong các nguồn điện (chi phí sản xuất điện/kWh của các công ty thủy điện thường ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 1.100 – 1.300 đồng/kWh của nhiệt điện than).

Do áp lực từ việc chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ trong giai đoạn 2021 – 2023, EVN đã kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024, bằng cách điều chỉnh tỷ lệ alpha (sản lượng hợp đồng/sản lượng thực phát) giữa các loại hình phát điện lên 98%, mức cao nhất từ khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành.

Với tỷ lệ alpha cao như vậy, các nhà máy thủy điện khó có thể tăng hiệu quả vận hành khi giá điện thị trường cao (điển hình là giai đoạn nắng nóng trong nửa đầu năm). Đặc biệt gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện trên 30MW, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả.

EVN phải tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% trong năm 2025 mới có thể hòa vốn
Tỷ lệ alpha cao gây áp lực lớn tới các doanh nghiệp thủy điện

Trong kịch bản thận trọng, nếu tỷ lệ này duy trì trong năm 2025, sự cải thiện của thủy điện có thể đến từ tăng trưởng sản lượng nhờ chu kỳ La Nina.

Trong kịch bản tích cực, hiệu quả kinh doanh năm 2025 của các nhà máy thủy điện lớn trên 30MW sẽ cải thiện mạnh nhờ tăng trưởng sản lượng và tỷ lệ alpha giảm, khi EVN có khả năng điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động giá nhiên liệu và nguồn điện đầu vào.

Đối với các doanh nghiệp sở hữu nhà máy thủy điện nhỏ (dưới 30MW) có giá bán tính theo biểu giá chi phí tránh được như PC1, kết quả kinh doanh mảng điện sẽ tích cực hơn so với năm 2023, do không bị ảnh hưởng về giá bán.

EVN phải tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% trong năm 2025 mới có thể hòa vốn
CTCK dự báo EVN cần tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% mới có thể hòa vốn

Về kết quả kinh doanh của EVN, theo BCTC hợp nhất toàn tập đoàn quý II/2024, doanh thu thuần đạt 154.046 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế 1.890 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 12.511 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 282.908 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với cùng kỳ khi lỗ 29.107 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN đạt mức 52.016 tỷ đồng - nối dài chuỗi lợi nhuận âm 2 năm liên tiếp trước đó.

Dựa trên số liệu thống kê, VDSC dự báo EVN sẽ cần tăng giá bán lẻ điện ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) trong năm 2025 để hòa vốn. Tháng 5/2024, EVN đã được cấp phép điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg (trước đây là 6 tháng). Việc được điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ giúp EVN giảm áp lực về tỷ lệ alpha và giá bán cho các công ty thủy điện.

>> Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận 1,5 tỷ để giúp Trung Nam hưởng ưu đãi giá điện, gây thiệt hại gần nghìn tỷ đồng cho EVN

Đề nghị truy tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương gây thất thoát gần nghìn tỷ đồng tại EVN

Cổ phiếu đầu ngành điện có thể tăng mạnh trước cơ hội tại loạt dự án tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-chi-cach-de-evn-het-lo-trong-nam-2025-248711.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia chỉ cách để EVN hết lỗ trong năm 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH