Chuyên gia chỉ ra 6 loại rau cực tốt bạn nên ăn hàng ngày
Rau không chỉ chứa đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ mà còn có thể dễ dàng kết hợp vào mọi bữa ăn.
Dưới đây là những loại rau tốt nhất bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày:
Xà lách
Trong 100g xà lách chỉ chứa 15 calo, rất ít đường và năng lượng, nhưng lại giàu chất xơ, tốt cho tiêu hóa nên phù hợp với các chế độ ăn giảm cân. 100g rau xà lách cung cấp lượng vitamin A gấp 2 lần nhu cầu vitamin mà cơ thể cần, là thực phẩm tốt giúp sáng mắt, chống quáng gà cận thị. Vitamin C, K, magie và folic trong xà lách tốt cho xương, hệ thần kinh và não bộ.
Nên mua rau tại các điểm bán tin cậy, đảm bảo chất lượng. Khi sử dụng rau xanh cần rửa sạch dưới vòi nước chảy trên một phút để rửa trôi hết các chất bẩn. Bảo quản rau nơi thoáng mát hoặc trong tủ lạnh để giữ độ tươi. Các bữa ăn cần đa dạng loại rau và cũng không nên ăn quá nhiều một loại rau củ duy nhất.
Bông cải xanh (súp lơ)
Bông cải xanh chứa nhiều vitamin C, A, K, B9 và một số khoáng chất như kali, phốt pho, sắt và selen... Các chất này tốt cho người bị bệnh tim mạch, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm cholesterol, giảm đường huyết và giảm nguy cơ ung thư vú, bàng quang, dạ dày, tiền liệt tuyến.
Bạn có thể ăn súp lơ xanh hàng ngày, đổi vị với nhiều cách chế biến như nướng, xào, luộc, hấp hoặc hầm canh. Tốt nhất là nên luộc hoặc hấp vừa chín bông cải xanh để giữ nguyên các giá trị dinh dưỡng.
Rau bồ công anh
Loại rau này giàu lutein và zeaxanthin hỗ trợ sức khỏe của mắt, trong khi hàm lượng vitamin C và K giúp thúc đẩy xương khỏe mạnh. Và đó không phải là tất cả những gì những loại rau xanh có lá này có thể làm được.
Rau bồ công anh là nguồn cung cấp dồi dào prebiotics thân thiện với đường ruột, nhờ có inulin. Chúng tăng cường sản xuất vi khuẩn bifidobacteria tốt trong ruột, giúp tăng cường chức năng miễn dịch và thậm chí có thể giúp ngăn ngừa ung thư.
Cải bó xôi (rau chân vịt)
Chất carotenoid trong cải bó xôi giúp chống lại các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vitamin A, C, K trong cải bó xôi tốt cho hệ tim mạch, giúp bảo vệ mắt và làm sáng da.
Lượng calo, đường và chất béo trong cải bó xôi rất thấp nên được đánh giá là tốt cho những người đang thực hiện chế độ giảm cân. Nên chế biến rau nhanh với nhiệt vừa như chần sơ, hấp hoặc xào áp chảo để giữ được dưỡng chất trong cải bó xôi.
Những người bị bệnh thận hoặc gout không nên ăn nhiều rau cải bó xôi, bởi thành phần oxalate và purin trong rau có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tình trạng bệnh. Rau này giàu canxi nên nếu đang dùng thuốc chứa canxi thì hạn chế ăn cải bó xôi. Cũng không nên chế biến cùng hải sản, vì rau sẽ làm mất đi hàm lượng kẽm có trong hải sản.
Cải xoong (watercress)
Theo một danh sách được xếp hạng về các loại trái cây và rau quả, CDC đã vinh danh cải xoong là loại rau giàu chất dinh dưỡng nhất. Điều này có nghĩa là nó chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất và chứa số lượng calo ít nhất. Do đó, cải xoong đặc biệt hữu ích trong việc phòng chống bệnh tật và giảm cân.
Ngoài ra, The Nutrition Twins nhấn mạnh rằng cải xoong chứa một lượng lớn chất xơ thúc đẩy tiêu hóa, vitamin C hỗ trợ miễn dịch, glucosinate ngăn ngừa bệnh tật...
Măng tây
Măng tây là món ăn không còn xa lạ với mọi gia đình. Loại thực phẩm này cũng được nhiều người biết đến và tin dùng do chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Nó có chứa folate và các vitamin thuộc nhóm B - một dưỡng chất rất tốt giúp phòng chống bệnh cao huyết áp.
Gọi là măng tây vì chúng mọc từ đất lên, có các đốt và có lớp áo bọc bên ngoài giống như những búp măng tre. Để chế biến thành các món ăn hấp dẫn, việc trước tiên cần làm là bóc lớp áo bên ngoài cây măng tây và làm sạch chúng dưới vòi nước.