Thế giới

Chuyên gia chip hàng đầu rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Phát triển thành công hơn 50 loại chip, đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá

Vũ Bấc 12/02/2025 14:01

Giáo sư Tôn Nam, chuyên gia thiết kế chip hàng đầu với hơn 10 năm kinh nghiệm tại Mỹ, đã hồi hương để dẫn dắt nghiên cứu công nghệ bán dẫn tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) vừa công bố thông tin về việc chào đón Giáo sư Sun Nan (Tôn Nam), một chuyên gia thiết kế chip hàng đầu, sau thời gian dài làm việc tại Mỹ. Thông tin này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận sau khi trường công bố những thành tựu nổi bật của ông trong lĩnh vực bán dẫn.

Chuyên gia chip hàng đầu rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Phát triển thành công hơn 50 loại chip, đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá - ảnh 1
Giáo sư Tôn Nam đã trở lại trường cũ của mình, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, sau hơn một thập kỷ làm việc tại các học viện ở Mỹ

Theo thông báo chính thức từ Đại học Thanh Hoa ngày 6/2, Giáo sư Tôn Nam đã quyết định hồi hương vào năm 2020 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết các thách thức trong sản xuất chip công nghệ tầm trung và cao cấp tại Trung Quốc.

Quyết định này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, đặc biệt là sau khi Mỹ triển khai "Sáng kiến Trung Quốc" - chính sách gây nhiều tranh cãi nhắm vào các nhà khoa học gốc Hoa và sự kiện ra mắt gây chấn động của DeepSeek.

Trong hơn bốn năm qua, với vai trò giáo sư khoa Kỹ thuật điện tử tại Đại học Thanh Hoa, ông Tôn Nam và nhóm nghiên cứu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Họ đã phát triển thành công hơn 50 loại chip tiên tiến, đồng thời đảm nhận nhiều dự án nghiên cứu cấp quốc gia. Nhóm tập trung vào việc nâng cao độ tin cậy, hiệu suất của chip đồng thời tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Theo thông tin từ Đại học Thanh Hoa, các công nghệ thiết kế mạch do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tôn Nam phát triển đã được ứng dụng thành công vào hơn 50 loại chip khác nhau.

Những con chip này hiện đang được triển khai rộng rãi trong nhiều lĩnh vực then chốt như lưới điện, đường sắt cao tốc, điều khiển công nghiệp, thiết bị đo lường và xe điện. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và có thể thay thế các chip nhập khẩu, thậm chí vượt trội về một số chỉ số kỹ thuật quan trọng.

Những đóng góp xuất sắc của GS. Tôn Nam đã được ghi nhận thông qua nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2023, ông vinh dự nhận Huân chương Thanh niên Bắc Kinh 4 tháng 5 - phần thưởng cao quý nhất dành cho các tài năng trẻ do Cục An sinh xã hội và Nguồn nhân lực thành phố Bắc Kinh trao tặng.

GS. Tôn Nam nghiệp thủ khoa Đại học Thanh Hoa năm 2006, ông tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Đại học Harvard, chuyên sâu về thiết kế mạch tích hợp. Từ năm 2011 đến 2020, ông công tác tại Đại học Texas ở Austin với vị trí giảng viên và được bổ nhiệm chức danh giáo sư năm 2017.

Sự nghiệp của Giáo sư Sun còn được đánh dấu bằng nhiều giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Sự nghiệp từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (2013) và Giải thưởng Biên giới Mới của IEEE (2020). Ông cũng từng là cố vấn cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Texas Instruments và Analog Devices, đồng thời tham gia hội đồng quản trị của nhiều tổ chức học thuật uy tín.

Chia sẻ về quyết định hồi hương, ông Tôn Nam bày tỏ mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. "Việc ra nước ngoài học tập và nghiên cứu công nghệ chỉ là bước đầu. Tại quê nhà hiện có rất nhiều cơ hội để phát triển và ứng dụng những kiến thức đã học được. Tôi mong muốn được cống hiến cho đất nước của mình," ông chia sẻ.

Nhận xét về sự phát triển của Đại học Thanh Hoa vào cuối năm 2021, GS. Tôn Nam đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của trường trong thập kỷ qua về nguồn lực nghiên cứu, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý.

Quyết định của GS. Tôn Nam phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong cộng đồng khoa học Trung Quốc. Kể từ năm 2020, nhiều yếu tố đã góp phần biến Trung Quốc thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà khoa học hàng đầu, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ của nước này và bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp với phương Tây.

Tham khảo South China Morning Post, Sun Research Group

>> Sau DeepSeek, Trung Quốc tạo đột phá về động cơ, thách thức nền tảng vật lý - công nghệ đã tồn tại hàng trăm năm qua

Trung Quốc làm điều không tưởng: Chế tạo chip AI chỉ nhỏ bằng hạt muối, có thể xử lý dữ liệu với tốc độ cực nhanh

Hàng loạt đại học Mỹ chấm dứt hợp tác với Trung Quốc

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chuyen-gia-chip-hang-dau-roi-my-chon-trung-quoc-phat-trien-thanh-cong-hon-50-loai-chip-dat-nhieu-giai-thuong-quoc-te-danh-gia-136624.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia chip hàng đầu rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Phát triển thành công hơn 50 loại chip, đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá
    POWERED BY ONECMS & INTECH