Chuyên gia: Có quá nhiều thứ để mất, Trung Quốc dè dặt đối phó với ông Trump
Những động thái đầu tiên trong cuộc chiến thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang có cách tiếp cận thận trọng hơn so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Donald Trump.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ miễn trừ thuế cho Canada và Mexico, mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực sau nửa đêm ngày 4/2 theo giờ Washington.
Ngay lập tức, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trả đũa gồm: áp thuế bổ sung lên khoảng 80 mặt hàng có hiệu lực từ ngày 10/2, mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, siết chặt kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và đưa hai công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy.
Màn đáp trả nhanh nhưng có tính toán này phản ánh việc Trung Quốc đã rút kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại đầu tiên với ông Trump. Thay vì áp thuế ngang bằng với Mỹ như trước, lần này Bắc Kinh chỉ đánh thuế lên 14 tỷ USD hàng hóa Mỹ – một con số nhỏ so với những gì Washington nhắm vào – đồng thời thực hiện các biện pháp khác nhằm thể hiện khả năng gây tổn hại đến doanh nghiệp Mỹ khi cần thiết.
Sự thay đổi này phản ánh thành công của ông Tập trong việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu từ các nước khác kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump, cũng như tình hình kinh tế bấp bênh hơn của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dựa vào sản xuất và xuất khẩu để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh nỗ lực xử lý bong bóng bất động sản và đối mặt với áp lực giảm phát gia tăng.
Trung Quốc buộc phải kiềm chế vì "có nhiều thứ để mất" do thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, theo Larry Hu, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd. "Một cuộc chiến thuế toàn diện không có lợi cho Trung Quốc", ông nói thêm. "Thay vào đó, Trung Quốc có khả năng sẽ phản ứng chủ yếu bằng các biện pháp kích thích trong nước".
Phản ứng thận trọng của Bắc Kinh cũng giúp ổn định thị trường, vốn đã biến động mạnh trong tuần trước do những quyết định bất ngờ về thuế của ông Trump. Chỉ số HSCE, đại diện cho các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, đã phục hồi với mức tăng 3,5% vào thứ Ba, trong khi đồng NDT ở thị trường nước ngoài gần như không đổi sau khi giảm nhẹ trước đó.
Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, xen kẽ những tuyên bố cứng rắn là những phát ngôn ôn hòa hơn, đồng thời vạch ra những yếu tố có thể hình thành một thỏa thuận.
Cụ thể, ông Trump muốn cán cân thương mại cân bằng hơn. Ông đã yêu cầu đánh giá lại thỏa thuận thương mại "Giai đoạn Một" mà ông ký vào năm 2020, cho thấy các cuộc đàm phán thuế quan với Trung Quốc có thể kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên, ông cũng muốn Bắc Kinh giúp nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và đang thúc ép Trung Quốc buộc phải chia sẻ quyền sở hữu ứng dụng TikTok với một công ty Mỹ trong vòng 75 ngày.
Trong một động thái ám chỉ rằng thỏa thuận đang là ưu tiên hàng đầu, Trump đã viết trên nền tảng Truth Social của mình vài giờ trước khi thuế quan Mỹ có hiệu lực rằng TikTok đang thu hút "sự quan tâm lớn", đồng thời nói rằng một thỏa thuận sẽ "rất tốt cho Trung Quốc".
Trung Quốc có ít không gian đàm phán hơn
Khi bước vào đàm phán, Trung Quốc có ít dư địa để thương lượng hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, quốc gia này xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều gấp 3 lần so với nhập khẩu từ Mỹ, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có ít mặt hàng để đánh thuế trả đũa hơn.
Một số động thái của Bắc Kinh mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất. Việc nhắm mục tiêu vào Google không có nhiều ý nghĩa thực tế vì dịch vụ tìm kiếm của Alphabet đã bị chặn tại Trung Quốc từ năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn những công ty như Tesla của Elon Musk và Apple có lợi ích kinh doanh khổng lồ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo tờ Financial Times, Trung Quốc cũng đang xem xét điều tra Intel, dựa trên nguồn tin từ hai cá nhân có liên quan. Intel chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Theo Helen Qiao, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Bank of America Global Research, nội dung của bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những nhượng bộ mà Bắc Kinh có thể chấp nhận. "Trung Quốc có thể cam kết mua thêm dầu khí của Mỹ, duy trì tỷ giá nhân dân tệ ổn định hoặc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận Giai đoạn Một", bà nhận định.
Một yếu tố bất ngờ khác có thể ảnh hưởng đến đàm phán là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kênh đào Panama, nơi một công ty Hồng Kông sở hữu 2 trong số 5 cảng quan trọng.
Theo Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economics, chính quyền Trump đã đe dọa sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào nếu Panama không giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. "Bắc Kinh có thể gây áp lực buộc CK Hutchison Holdings thu hẹp hoạt động ở đây, nhưng khả năng này khá xa vời", bà nói.
Bắc Kinh đang tìm cách duy trì thế cân bằng giữa việc thể hiện sức mạnh và tránh làm leo thang căng thẳng. Theo Josef Gregory Mahoney, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, "Chúng ta có thể đang chứng kiến hai cường quốc thăm dò lẫn nhau và thử nghiệm giới hạn của đối phương, trước khi tiến đến cái bắt tay".
Theo Yahoo Finance
>> Trung Quốc 'trả đũa' Mỹ bằng loạt thuế quan mới từ ngày 10/2, chiến tranh thương mại bùng nổ?
Nóng: Mỹ ngừng nhận bưu kiện từ Trung Quốc qua bưu điện, chuyện gì đã xảy ra?
Giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại sau động thái 'quyết liệt' của Trung Quốc