Vĩ mô

Chuyên gia Techcombank dự báo gì về tương lai kinh tế Mỹ và tác động đến Việt Nam?

Trường Thanh 28/10/2024 20:30

Chính sách tiền tệ của Fed và các yếu tố bất định trên thị trường quốc tế đang tạo sức ép lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Trong chương trình Wealth Talks tập 3 - Triển vọng Đầu tư Bất động sản đón đầu chu kỳ mới, do Techcombank (TCB) và Techcom Securities (TCBS) tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chuyên gia Cao cấp Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (Techcombank) - đã đưa ra những phân tích sâu sắc về triển vọng kinh tế Mỹ và các tác động đến Việt Nam.

Chuyên gia Techcombank dự báo gì về tương lai kinh tế Mỹ và tác động đến Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoàng Tùng (Tungy), Chuyên gia cao cấp Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (MA), Ngân hàng Techcombank.

Kinh tế Mỹ: Rủi ro suy thoái hay cơ hội tăng trưởng?

Trong buổi tọa đàm, ông Tùng nhận định rằng nền kinh tế Mỹ hiện tại đang chậm lại nhưng có khả năng tăng tốc trở lại vào năm 2025. Theo ông, các yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ trong quý III năm 2024 đã dấy lên lo ngại về một đợt suy thoái. Tuy nhiên, “các yếu tố kinh tế cơ bản vẫn cho thấy Mỹ khó có khả năng rơi vào suy thoái toàn diện” - ông Tùng chia sẻ. Đồng thời ông giải thích rằng quy tắc Sahm chỉ là một dấu hiệu cảnh báo, trong khi tình hình việc làm và chỉ số PMI dịch vụ tại Mỹ vẫn ổn định, chưa đủ để xác định suy thoái.

Chuyên gia Techcombank dự báo gì về tương lai kinh tế Mỹ và tác động đến Việt Nam?
Dự báo tăng trưởng GDP và Chỉ số PMI của Mỹ trong giai đoạn 2023-2025. Nguồn: Bloomberg, dữ liệu do Techcombank tổng hợp.

Động thái cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được ông Nguyễn Hoàng Tùng đánh giá là một bước đi quan trọng nhằm phòng ngừa nguy cơ suy thoái. Ảnh hưởng của quyết sách này sẽ lan rộng ra cả các nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Ảnh hưởng từ kinh tế Mỹ đến thị trường tài chính và tỷ giá Việt Nam

Ông Tùng nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ của Fed và các yếu tố bất định trên thị trường quốc tế đang tạo sức ép lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Đồng USD mạnh lên khiến VND chịu áp lực, đẩy tỷ giá tăng cao, ảnh hưởng đến dòng vốn vào thị trường Việt Nam và buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải cân nhắc các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá và thu hút dòng vốn từ kiều hối, một nguồn tài chính quan trọng vào giai đoạn cuối năm.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý về sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào xuất khẩu, đặc biệt là tới Mỹ - thị trường chiếm tới hơn một phần ba tổng xuất khẩu của Việt Nam. Các thay đổi trong tỷ giá có thể làm cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, gây sức ép lớn cho cán cân thanh toán. Trong trường hợp Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ chịu thêm áp lực duy trì mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Tuy nhiên, ông Tùng vẫn nhận định rằng triển vọng kinh tế Việt Nam khả quan. Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt kỳ vọng. Theo ông, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xuất nhập khẩu là các yếu tố thúc đẩy chủ lực, khi nhu cầu từ thị trường quốc tế dần phục hồi. Bên cạnh đó, ông kỳ vọng rằng thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc chung cư và nhà ở đô thị, sẽ hồi phục mạnh mẽ, giúp lan tỏa tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Techcombank dự báo gì về tương lai kinh tế Mỹ và tác động đến Việt Nam?
Tổng quan bối cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024: PMI, Tăng trưởng GDP và sự biến động VND năm 2024. Nguồn: Techcombank.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối diện với rủi ro từ biến động tỷ giá và lãi suất quốc tế. Ông Tùng cảnh báo rằng áp lực từ các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến chính sách duy trì lãi suất ổn định của Việt Nam. Ông cho biết, “các chính sách kinh tế của Mỹ có thể tạo ra môi trường bất lợi cho các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, và gia tăng những bất định cho thị trường tài chính Việt Nam”.

Tác động tiềm tàng của chính trị Mỹ đối với kinh tế Việt Nam

Ông Tùng cũng phân tích tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới kinh tế Việt Nam. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử và tái áp dụng các chính sách bảo hộ, Việt Nam có thể đối mặt với khó khăn trong thương mại, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu, do những chính sách thuế nhập khẩu mạnh mẽ của Mỹ, đặc biệt nhắm đến Trung Quốc và các nước đối tác thương mại. Trong khi đó, chính sách mở của một tổng thống thuộc Đảng Dân chủ như Harris sẽ có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI và thương mại với Việt Nam.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 có thể được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất toàn cầu, sự ổn định tỷ giá nhờ dòng kiều hối, và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị cho các rủi ro từ tỷ giá, thị trường tài chính và biến động chính trị quốc tế. Để thích ứng, ông Tùng khuyến nghị các nhà đầu tư và doanh nghiệp nên có chiến lược linh hoạt, bám sát các động thái chính sách từ Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo ổn định kinh tế và tối ưu hóa cơ hội đầu tư.

>> Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Nhóm ngành nào của Việt Nam sẽ 'lên ngôi' khi Trump hoặc Harris chiến thắng?

Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn: Tỷ giá và lãi suất chịu áp lực rất lớn từ Mỹ và Trung Quốc

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành: Việt Nam có nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-techcombank-du-bao-gi-ve-tuong-lai-kinh-te-my-va-tac-dong-den-viet-nam-256466.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia Techcombank dự báo gì về tương lai kinh tế Mỹ và tác động đến Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH