Thế giới

Chuyên gia: VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, ‘rẽ sang' châu Á là chiến lược thông minh

Diệp Thảo 09/08/2024 - 10:52

Theo các chuyên gia, quyết định này sẽ giúp hãng xe điện có thêm thời gian chuẩn bị và tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường xe điện.

VinFast vừa quyết định lùi thời gian xây dựng nhà máy tại Mỹ thêm 3 năm. Thay vào đó, hãng xe Việt sẽ tập trung đầu tư vào hai nhà máy mới tại Indonesia và Ấn Độ. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường xe điện tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, trong khi châu Á lại là thị trường đầy tiềm năng với chi phí đầu tư thấp hơn đáng kể.

Ông Joshua Cobb, chuyên gia phân tích ô tô cao cấp tại BMI cho hay: "Việc tạm dừng xây nhà máy tại Mỹ sẽ khiến VinFast chậm lại trong quá trình thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, nhưng đây lại là lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại. Quyết định này sẽ giúp hãng xe điện có thêm thời gian chuẩn bị và tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường".

VinFast từng dự định đầu tư 1,4 tỷ USD vào một nhà máy ở Bắc Carolina (Mỹ) và 400 triệu USD cho hai nhà máy tại Indonesia và Ấn Độ.

Hiện nay, thị trường xe điện tại Mỹ và châu Âu có dấu hiệu chậm lại. Nhu cầu về xe điện đã giảm sút do chi phí vay cao và người mua chuyển sang sử dụng xe hybrid giá rẻ, buộc nhiều nhà sản xuất ô tô phải đánh giá lại kế hoạch xây dựng nhà máy và mẫu xe mới.

Trái ngược, Nam Á và Đông Nam Á đang nổi lên như những thị trường tiềm năng với tỷ lệ sử dụng xe điện còn thấp.

Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Khối phân tích của Chứng khoán Vndirect, cho rằng việc VinFast tạm hoãn đầu tư lớn ở Mỹ để tập trung vào châu Á là một bước chiến lược thông minh. Chi phí xây dựng nhà máy tại Indonesia và Ấn Độ cũng thấp hơn nhiều so với ở Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hãng.

Chuyên gia: VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, ‘rẽ sang' châu Á là chiến lược thông minh - ảnh 1
Nhà máy VinFast được xây dựng tại Khu công nghiệp Triangle Innovation Point ở hạt Chatham, Bắc Carolina

Dù đã gặt hái một số thành công tại thị trường Mỹ, VinFast vẫn phải đối mặt với những thách thức.

Tình hình chính trị Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, đòi hỏi các doanh nghiệp như VinFast phải cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược của mình. Theo ông Colin Richardson, Nhà sáng lập công ty tư vấn Omni-Channel Automotive Solutions, nếu ông Donald Trump tái đắc cử, xe VinFast có thể gặp phải các rào cản thuế quan mới.

VinFast đã bán được 265 xe tại Mỹ vào năm ngoái và đạt 927 xe trong quý đầu năm nay, chiếm hơn 10% tổng doanh số toàn cầu.

Hiện tại, VinFast có 7 mẫu xe, từ xe điện mini đến SUV cỡ lớn, cùng với sản xuất xe máy và xe buýt điện. Hãng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối đến 50 quốc gia vào cuối năm nay, đặc biệt là ở châu Á, nơi Chính phủ đang thúc đẩy sự phát triển của ngành xe điện.

Tỷ lệ sử dụng xe điện ở Ấn Độ và Indonesia lần lượt là 6,4% và 1,7%. VinFast đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở Indonesia và dự kiến hoàn thành vào năm tới, cùng với nhà máy ở Ấn Độ, mỗi nhà máy có công suất ban đầu 50.000 xe/năm.

Ông Lukas Neckermann, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Neckermann Strategic Advisors, nhận xét rằng VinFast đã tận dụng cơ hội tốt, nhưng vẫn cần xem xét liệu thị trường có đáp ứng được kỳ vọng hay không.

Xe điện từ nhà máy Ấn Độ sẽ được xuất khẩu sang Nam Á, Trung Đông và châu Phi, trong khi nhà máy Indonesia sẽ phục vụ các thị trường tay lái nghịch như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Australia.

Đại diện VinFast cho biết: "Quyết định này sẽ cho phép công ty tối ưu hóa việc phân bổ vốn và quản lý chi tiêu ngắn hạn hiệu quả hơn, tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn và củng cố các hoạt động hiện có. Việc điều chỉnh không làm thay đổi chiến lược tăng trưởng cơ bản và các mục tiêu hoạt động chính của VinFast”.

VinFast đã áp dụng nhiều chiến lược nhằm tối ưu hóa chi phí. Từ cuối năm 2023, hãng đã chuyển từ mô hình phân phối trực tiếp sang hợp tác với mạng lưới đại lý, giúp giảm áp lực vốn. Mục tiêu của VinFast là có được 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024.

Cuối năm ngoái, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển giao công ty pin VinES cho VinFast, giúp tiết kiệm 5% đến 7% chi phí pin, thành phần tốn kém nhất trong xe điện. Ông cũng thành lập công ty con V-Green, chuyên phát triển trạm sạc, để giảm chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Theo Tech in Asia, Reuters

>> VinFast chính thức động thổ nhà máy lắp ráp xe điện tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, công suất lên tới 50.000 xe/năm

‘Khu vực vàng’ nơi VinFast muốn xây thành phố thông minh: Hàng loạt ông lớn công nghệ Microsoft, Google…tụ họp, dự kiến thuộc top 10 thành phố phát triển nhanh nhất thế giới

Lộ diện 'profile' khủng của startup mới hợp tác với VinFast: CEO từng lọt top 'Under 30 Forbes' châu Á, phục vụ hàng triệu xưởng bảo dưỡng khắp Indonesia

Theo Kinh tế đô thị
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chuyen-gia-vinfast-lui-tien-do-nha-may-tai-my-re-sang-chau-a-la-chien-luoc-thong-minh-125198.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia: VinFast lùi tiến độ nhà máy tại Mỹ, ‘rẽ sang' châu Á là chiến lược thông minh
    POWERED BY ONECMS & INTECH