CNBC: Ứng viên hàng đầu thay thế Trung Quốc cho vị trí 'công xưởng thế giới' vẫn thua Việt Nam ở 2 điểm

02-04-2024 19:49|Quỳnh Vân

Quốc gia này được kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất hàng đầu ở châu Á khi các công ty rời xa Trung Quốc. Tuy nhiên theo CNBC, để làm được điều đó họ vẫn cần phải vượt qua Việt Nam.

Khi sự cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gia tăng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích các công ty Mỹ di chuyển hoạt động sản xuất công nghệ và điện tử ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước thân thiện hơn, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ.

Ấn Độ muốn trở thành nhà sản xuất hàng đầu khu vực châu Á khi Trung Quốc đang dần đánh mất vị thế. Nhưng trước tiên, theo CNBC, họ cần giảm thuế và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nếu muốn soán ngôi Việt Nam.

Khởi đầu thuận lợi của Việt Nam

Trong mắt các nhà đầu tư và công ty nước ngoài, Ấn Độ và Việt Nam là những lựa chọn hấp dẫn để thay thế Trung Quốc cho ngành sản xuất, một phần nhờ chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, giữa 2 quốc gia này, Việt Nam vẫn dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt tổng cộng 96,99 tỷ USD, so với 75,65 tỷ USD của Ấn Độ.

Samir Kapadia, CEO của India Index và quản lý điều hành ở Vogel Group nhận xét: “Việt Nam vốn được biết đến với khả năng sản xuất thiết bị điện tử còn Ấn Độ mới chỉ gia nhập cuộc đua không lâu. Điều đó mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh đáng kể".

CNBC: Ứng viên hàng đầu thay thế Trung Quốc cho vị trí 'công xưởng thế giới' vẫn thua Việt Nam ở 2 điểm
Việt Nam đang là đối thủ đáng gờm của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất khu vực châu Á. Ảnh: CNBC

Trong khi mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ ngày càng phát triển, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhà Trắng của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 6 năm ngoái, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thương mại và đầu tư với Washington từ năm 2007.

Một lợi thế quan trọng khác của Việt Nam là nước ta có thể chế đơn giản hơn so với Ấn Độ, nơi có đến 29 bang với các chính sách khác nhau.

Nari Viswanathan, Giám đốc cấp cao về chiến lược chuỗi cung ứng tại công ty phần mềm Coupa, nhận định: “Việt Nam chiếm thế thượng phong khi nói đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô sản xuất, nơi chủ yếu là lao động tay chân”.

Ông Viswanathan lưu ý các lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động tay chân và có tỷ suất lợi nhuận thấp như sản xuất hàng may mặc “sẽ không tạo được đà phát triển” cho Ấn Độ.

Thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao

Một trở ngại nữa cho tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của Ấn Độ là thuế nhập khẩu 10% với công nghệ thông tin và truyền thông. Theo ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital, mức này cao hơn thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam khoảng 5%.

Tuy thuế nhập khẩu của quốc gia này là nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng việc giảm thuế sẽ giúp Chính phủ Ấn Độ thu hút các công ty nước ngoài đến sản xuất hàng hóa trong nước.

Ví dụ như vào tháng 1, nước này đã giảm thuế nhập khẩu đối với một số bộ phận kim loại và nhựa sử dụng trong sản xuất điện thoại di động từ 15% xuống 10%. Điều đó mang lại lợi ích cho các công ty như Apple và Dixon Technologies - nhà sản xuất điện thoại cho Xiaomi, Samsung và Motorola.

CNBC: Ứng viên hàng đầu thay thế Trung Quốc cho vị trí 'công xưởng thế giới' vẫn thua Việt Nam ở 2 điểm
Ấn Độ có 2 vấn đề lớn nhất cần giải quyết là giảm thuế nhập khẩu và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Ảnh: CNBC

Pankaj Mahindroo, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA), xuất khẩu đồ điện tử của Ấn Độ sang Mỹ đạt 6,6 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 9/2023, so với 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2022.

Nhưng ông Ho của VinaCapital cảnh báo rằng việc giảm thuế nhập khẩu “không phải là một lợi thế bền vững trong việc thu hút đầu tư FDI về lâu dài”.

Ông nói: “Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quan tâm hơn là các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh dễ dàng - đặc biệt là tính linh hoạt trong việc thuê và sa thải công nhân - hơn là thuế và thuế quan. Đây là lợi thế lâu dài chính của Việt Nam so với Ấn Độ”.

Hiệu quả là chìa khóa

Mặc dù Ấn Độ muốn trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2047 nhưng cơ sở hạ tầng của nước này vẫn còn thiếu sót, dẫn đến thời gian vận chuyển và giao hàng kéo dài.

Mukesh Aghi, Chủ tịch kiêm CEO của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, bình luận: “Một con tàu ở Singapore có thể được dỡ hàng trong 8 giờ và đưa lên xe tải đến các nhà máy, tuy nhiên, con tàu như vậy ở Ấn Độ sẽ bị mắc kẹt tại một nhà kho trong nhiều ngày”.

Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc có thể đi trước Ấn Độ 10 năm về cơ sở hạ tầng, vì vậy nước này cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo cơ sở hạ tầng tiếp tục được xây dựng”.

Theo CNBC, chính phủ Ấn Độ dự định sẽ chi 2,55 nghìn tỷ rupee (30,7 tỷ USD) để cải thiện hệ thống đường sắt của nước này.

Ông Kapadia đánh giá Ấn Độ hiện đang đi đúng hướng trên con đường hiện đại hóa hệ thống logistics để tăng cường các mô hình chuỗi cung ứng cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu ở tất cả các loại đường và cảng mới.

Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ trước khi chuyển sang tự động hóa.

>> 'Đút túi' gần 30.000 tỷ đồng trong năm ngoái, Việt Nam bất ngờ vượt Trung Quốc vươn lên số 3 toàn cầu, chỉ xếp sau Mỹ và Anh

Quốc gia châu Á sở hữu ‘vũ khí’ đặc biệt để trở thành siêu cường thế giới, đến Trung Quốc cũng phải chào thua

Quốc gia châu Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vượt cả Mỹ, Nhật để bước chân vào hàng ngũ siêu cường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cnbc-ung-vien-hang-dau-thay-the-trung-quoc-cho-vi-tri-cong-xuong-the-gioi-van-thua-viet-nam-o-2-diem-228902.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    CNBC: Ứng viên hàng đầu thay thế Trung Quốc cho vị trí 'công xưởng thế giới' vẫn thua Việt Nam ở 2 điểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH