Cổ phiếu đang ‘lên như diều’, tăng 12.000% bỗng dưng ‘đứt cước’, chuyện gì đã xảy ra với Baidu?
Cổ phiếu Baidu đạt mức tăng trưởng “vũ bão” trước khi chững lại vì tình hình kinh tế vĩ mô. Liệu gã khổng lồ này có thể phục hồi và đưa vốn hóa đạt vốn nghìn tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo?
Baidu (mã cổ phiếu BIDU trên sàn NASDAQ) từng là một trong những cổ phiếu công nghệ hot nhất Trung Quốc.
Cổ phiếu của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc ở mức cao nhất mọi thời đại là 339,91 USD vào ngày 19/2/2021. Vào thời điểm này, giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ này đã lên đến gần 114 tỷ USD, thể hiện mức tăng khủng 12.489% so với mức giá chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đã điều chỉnh theo từng đợt là 2,70 USD/cổ phiếu kể từ 5/8/2005.
Công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc. Nguồn: Tân hoa xã |
Đến nay, cổ phiếu của Baidu được giao dịch ở mức khoảng 92 USD với vốn hóa khoảng 33 tỷ USD. Tăng trưởng chỉ chững lại trước những thách thức cạnh tranh và tình hình kinh tế khó khăn của thị trường Trung Quốc, trong khi lãi suất cao và căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm phần nào định giá vốn hóa của công ty.
Từ năm 2005 đến 2015, doanh thu của Baidu đã đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 74%. Ba yếu tố thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng đó gồm: thứ nhất là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, thứ hai, tỷ lệ tiếp cận internet ngày càng tăng và quan trọng nhất là Google đã rời khỏi Trung Quốc đại lục vào năm 2010.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng doanh thu của Baidu đã chậm lại khi CAGR chỉ đạt 10% do mối đe dọa cạnh tranh từ các đối thủ nội địa ngày càng lớn mạnh. Công cụ tìm kiếm Weixin của tập đoàn Tencent (thường được biết đến với cái tên WeChat) đã trở thành "siêu ứng dụng" hàng đầu về nhắn tin, thanh toán và tin tức xã hội trên thiết bị di động của thị trường 1,4 tỷ người.
Bên cạnh ứng dụng liên lạc, nhiều người mua sắm trực tuyến hơn bắt đầu tìm kiếm sản phẩm của họ trên các thị trường của Alibaba thay vì công cụ tìm kiếm của Baidu, trong khi Douyin của ByteDance (TikTok của Trung Quốc đại lục) là ứng dụng chiếm được sự yêu thích nồng nhiệt của đối tượng khách hàng trẻ tuổi.
Không chỉ đối mặt với các đối thủ cạnh tranh, thời kỳ đại dịch cũng khiến các nhà quảng cáo hạn chế chi tiêu. Sự phục hồi chậm chạp hoàn toàn có thể hiểu được khi những chính sách mạnh tay của chính phủ Trung Quốc đối với giãn cách xã hội, thị trường giáo dục và trò chơi trực tuyến (đóng góp phần lớn vào doanh thu quảng cáo của Baidu) đã làm trầm trọng thêm áp lực. Đó là lý do tại sao công ty tạo ra doanh thu không đồng đều và tăng trưởng thu nhập được điều chỉnh liên tục trong ba năm qua.
Bên cạnh đó, Baidu cũng cùng chung số phận với các doanh nghiệp khác khi nền kinh tế Trung Quốc trải qua những ngày tháng đen tối của cuộc khủng hoảng tài sản và giảm chi tiêu từ phía người tiêu dùng.
Chiến lược “vực dậy” của gã khổng lồ công nghệ
Baidu đang cố gắng ổn định sự tăng trưởng của mình bằng ba chiến lược chính. Đầu tiên, công ty dự kiến sẽ mở rộng nền tảng Baidu AI Cloud với nhiều cơ sở hạ tầng đám mây hơn và các dịch vụ AI tổng quát để giảm bớt sự phụ thuộc doanh thu vào quảng cáo kỹ thuật số.
Thứ hai, công ty đang đa dạng hóa hoạt động kinh doanh tiếp thị trực tuyến (chiếm 56% doanh thu vào năm 2023) với hệ thống quản lý khách hàng doanh nghiệp trên hệ sinh thái của mình – để hạn chế sự phụ thuộc vào quảng cáo hiển thị và tìm kiếm, vốn đang có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Cuối cùng, họ đang mở rộng ứng dụng di động, phục vụ 676 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng trong quý I năm 2024, đồng thời phát triển nhiều tính năng tích hợp hơn để theo kịp Weixin của Tencent.
AI tạo sinh ERNIE Bot của Baidu được ra mắt tháng 9/2023 cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI |
Với các chiến lược này, các nhà phân tích kỳ vọng doanh thu của Baidu sẽ tăng trưởng với CAGR đạt 6%, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng với tốc độ CAGR là 11% trong giai đoạn 2023-2026.
Tuy nhiên, cổ phiếu của Baidu có vẻ không tăng trưởng với tốc độ như dự đoán khi thu nhập dự phóng gấp 10 lần so với thực tế. Nhưng giống như hầu hết các cổ phiếu khác của Trung Quốc, cổ phiếu Baidu có thể sẽ vẫn chịu áp lực trừ khi căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng dịu lại trong tương lai.
Ngay cả khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc giảm bớt, Baidu vẫn có thể gặp khó khăn để theo kịp các đối thủ trên thị trường tiếp thị trực tuyến, đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, chúng ta cần giả định rằng Baidu sẽ tiếp tục giao dịch ở mức định giá thấp lịch sử cho đến cuối thập kỷ này. Nếu Baidu ổn định hoạt động kinh doanh, phù hợp với ước tính của các nhà phân tích và tiếp tục tăng trưởng EPS với tốc độ CAGR là 10% từ năm 2026 đến năm 2030, nó sẽ tạo ra lợi nhuận 110 RMB (15,16 USD) trên mỗi cổ phiếu vào năm 2030.
Giả sử số lượng cổ phiếu của Baidu gần như giữ nguyên, tỷ giá hối đoái ổn định và cổ phiếu vẫn giao dịch ở mức gấp 10 lần thu nhập, giá cổ phiếu có thể tăng hơn 60% lên 150 USD vào năm 2030 và tăng vốn hóa thị trường lên 54 tỷ USD. Nếu được giao dịch ở mức thu nhập gấp 15 lần, giá cổ phiếu của Baidu có thể tăng 145% lên 225 USD và đẩy vốn hóa thị trường của nó lên khoảng 81 tỷ USD.
Đó sẽ là những khoản lợi nhuận kha khá trong sáu năm tới nhưng sẽ không thể tiến gần đến hàng ngũ những đại gia công nghệ với định giá nghìn tỷ đô la. “Google của Trung Quốc” vẫn có thể giữ vị trí vững vàng và tăng trưởng đều đặn nếu mối quan hệ Mỹ-Trung hạ nhiệt nhưng sẽ không sớm đạt được mức định giá cao hơn hoặc trở thành một công ty tăng trưởng hấp dẫn trong ngắn hạn.
Mỹ 'thua xa' Trung Quốc tới 15 năm ở một lĩnh vực nòng cốt, nguyên nhân do đâu?
Cốc Cốc được kỳ vọng trở thành trình duyệt và công cụ tìm kiếm quốc gia