Cổ phiếu PLC sau "bước nhảy" X3 thị giá: Sóng đầu tư công đã "tan"?

20-04-2023 21:36|Quốc Trung

Năm 2022, Hóa dầu Petrolimex (PLC) báo doanh thu kỷ lục song lợi nhuận ròng cũng thấp nhất 12 năm; biên lãi ròng chỉ vỏn vẹn 1,5%. Vậy sóng tăng giá cổ phiếu từ đâu xuất hiện?

Tổng CTCP Hóa dầu Petrolimex (Mã PLC - HNX) vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế lần lượt ở mức 8.903 tỷ đồng và 200 tỷ - tăng 4% và 9% so với thực hiện năm 2022. Tỷ lệ chia cổ tức 2023 không thấp hơn 12%.

Được biết trong năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 8.601 tỷ đồng - vượt gần 15% kế hoạch; lãi trước thuế ở mức 184 tỷ - tương đương 97% chỉ tiêu được giao. Theo đó, Đại hội đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ 12% - số tiền dự chi là gần 97 tỷ đồng.

Cổ phiếu PLC sau
Năm 2022, Hóa dầu Petrolimex ghi nhận mức doanh thu kỷ lục song lợi nhuận ròng cũng thấp kỷ lục trong 12 năm trở lại đây; biên lãi ròng thậm chí giảm mạnh về còn 1,5%

Chia sẻ về kết quả quý 1/2023, ông Lê Quang Tuấn - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PLC ước tính doanh thu công ty đạt 1.970 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 40 tỷ.

"Kết quả quý 1 thường chưa phản ánh toàn diện cả năm, do ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết, và một số ngành hàng ảnh hưởng yếu tố thời vụ như tại lĩnh vực dầu nhờn sẽ bán rất tốt ở miền Trung và Tây Nguyên trong quý 2 - 3. Trong khi đó, ngành hàng nhựa đường sẽ còn ảnh hưởng tình hình thi công cuối năm nên kết quả quý này chỉ mang tính chất tham khảo", ông Tuấn khẳng định.

Trên thị trường chứng khoán, "hứng sóng" hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí đồng thời cũng nương theo câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, cổ phiếu PLC đã duy trì nhịp tăng giá mạnh trong 4 tháng trở lại đây. Từ mức thấp nhất phiên 11.900 đồng (phiên 16/11/2022), cổ phiếu PLC đã tăng 192% lên mức 35.000 đồng (phiên 29/3/2023) trước khi điều chỉnh về 32.900 đồng (kết phiên 20/4).

Dòng tiền bắt đáy cùng khiến thanh khoản của mã cải thiện mạnh so với giai đoạn trước đó. Mặc dù vậy, với việc công ty mẹ Petrolimex đang nắm gần 80% vốn sở hữu nên thanh khoản của mã vẫn là một điểm trừ.

Cổ phiếu PLC sau

Sau tăng mạnh, thậm chí một số ý kiến chuyên gia cho rằng cổ phiếu PLC đã không còn hấp dẫn do đã tăng giá mạnh.

Kỳ vọng đầu tư công - và góc nhìn lãnh đạo

Tại Đại hội, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo PLC về cơ cấu thị phần và mức độ cạnh tranh trên thị trường của 3 ngành hàng chính của PLC trong đó nhấn mạnh việc ngành hàng nhựa đường liệu có đang được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công?.

Phúc đáp, ông Đỗ Hữu Tạo - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, hiện nay, riêng mảng dầu nhờn của công ty đang chiếm 7 - 8% thị phần và dự báo tăng trưởng lên mức 9%; mảng nhựa đường chiếm 28 - 30% thị phần trong khi vực hóa chất chiếm 19% thị phần thị trường.

Cổ phiếu PLC sau
Chi tiết doanh thu năm 2022 của Hóa dầu Petrolimex
Nhìn vào cơ cấu doanh thu năm 2022 của Hóa dầu Petrolimex, có thể thấy mảng nhựa đường đang đóng góp tới gần 50% tỷ trọng và bỏ xa nguồn thu mảng hóa chất. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận hai mảng này chỉ đạt lần lượt 11,5% và 6,1% so với mức 26,8% của mảng dầu mỡ nhờn.

Năm 2023, với lợi thế chính là ngành hàng nhựa đường, công ty kỳ vọng lĩnh vực này phát huy được lợi thế từ những dự án đầu tư công, đường cao tốc. Tuy nhiên, với các dự án này việc sử dụng nhựa nằm ở giai đoạn cuối nên thời điểm giải giân sẽ quyết định nhiều tới kết quả kinh doanh của mảng này.

Trong khi đó, mảng hóa chất tiếp tục được dự báo khó khăn; mảng dầu nhờn cố gắng duy trì và giữ vững thị phần như hiện tại.

Về mức độ cạnh tranh, ông Tạo cho rằng mỗi một lĩnh vực ngành hàng có những yếu tố đặc thù, và đối thủ cạnh tranh khác nhau trong đó ngành hàng hóa chất hiện có mức độ cạnh tranh khốc liệt và mang yếu tố thị trường rất cao. Hiện PLC phải cạnh tranh với các đối thủ lớn ngoại quốc như RiverBank, Samsung… cũng như các đối thủ nội địa như Hóa chất miền bắc, Hải Hà,…

Cổ phiếu PLC sau

"Đối với PLC, chúng ta cũng có cơ sở vật chất, bồn bể ở hai đầu phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, với tốc độ cạnh tranh cả đối thủ lớn lẫn đối thủ nhỏ, cũng đã làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của lĩnh vực hóa chất trong giai đoạn 2020 đến nay. Hơn hết, nguồn vốn của PLC bị hạn chế (chủ yếu vốn vay thương mại) và công ty lại có yếu tố quản lý Nhà nước nên mức độ canh tranh nhanh nhạy trên thị trường sẽ bị hạn chế", lãnh đạo PLC cho biết.

Ghi nhận của người viết, ngoại trừ năm 2021 dương 15,1 tỷ, lợi nhuận tài chính của PLC đã liên tục âm trong 12 năm qua với mức âm kỷ lục 156,4 tỷ đồng (năm 2011). Việc chi phí tài chính luôn vượt trội đã thành gánh nặng - và lặp đi lặp lại trong các cáo cáo kiểm toán cuối năm của công ty.

Tại thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Hóa dầu Petrolimex ở mức 3.371 tỷ đồng - gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu - trong đó hơn một nửa trong số này (tương đương 1.771 tỷ đồng là vay nợ ngắn hạn).

Về tình hình thoái vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PLC, đại diện Ban lãnh đạo Công ty cho biết theo đề án tái cơ cấu của Petrolimex trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Petrolimex sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PLC từ 79,07% như hiện tại xuống mức mục tiêu từ 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Ngoài ra, PLC đang cơ cấu ngành hàng cho phù hợp với điều kiện thực tế của các đơn vị để đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn (đặc biệt của lĩnh vực hóa chất), đáp ứng năng lực cạnh tranh với các đối thủ.

Về việc thúc đẩy dự án đầu tư công, Chủ tịch Đỗ Hữu Tạo thông tin cho hay HĐQT đã nắm bắt kịp thời, triển khai bằng nhiều các giải pháp khác nhau để có thể chiếm được ưu thế trong giai đoạn hiện nay. Riêng lĩnh vực nhựa đường của PLC, trong 7 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đều có các đối tác khách hàng trực tiếp của Công ty tham gia cung cấp các dự án đầu tư công của Chính phủ.

Khuyến nghị cổ phiếu ngày 19/1: GIL, PVD, HMR, PLC

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-plc-sau-buoc-nhay-x3-thi-gia-song-dau-tu-cong-da-tan-179629.html&link=2
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cổ phiếu PLC sau "bước nhảy" X3 thị giá: Sóng đầu tư công đã "tan"?
POWERED BY ONECMS & INTECH