Doanh nghiệp

Cơm thố Anh Nguyễn: Chủ đầu tư là 'trang giấy trắng' cũng sẽ 'có cơ hội thành công' sau 6 tháng nhượng quyền

Hoàng Ngân 05/09/2024 - 23:07

Một cơ sở của Cơm thố Anh Nguyễn tại Lê Trọng Tấn (Hà Nội) đang bị phản ánh về chất lượng đồ ăn cũng như thái độ của nhân viên.

Cơm thố Anh Nguyễn, một thương hiệu F&B đầy tiềm năng, đã nhanh chóng trở thành một cái tên nổi bật trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam. Nhờ vào chiến lược nhượng quyền thông minh với mức vốn đầu tư hợp lý và khả năng thu hồi vốn nhanh, thương hiệu này đã mở rộng mạnh mẽ từ một quán ăn nhỏ thành hệ thống 120 cơ sở trên toàn quốc và một chi nhánh quốc tế tại Philippines.

Khởi nghiệp với 70 triệu đồng cho quán cơm thố đầu tiên

Câu chuyện thành công của Cơm thố Anh Nguyễn bắt đầu vào năm 2012 khi ông Nguyễn Văn Hậu, nhà sáng lập kiêm CEO, quyết định mang món cơm thố của người Hoa từ Đà Nẵng về Hà Nội kinh doanh. Ban đầu, với số vốn khởi nghiệp chỉ 70 triệu đồng, ông Hậu đã mở quán cơm thố đầu tiên tại B32 Cốm Vòng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mặc dù quán ăn chỉ có biển hiệu bằng bạt và hoạt động tự phát, ông Hậu tự tin vào tiềm năng phát triển của món cơm thố tại thị trường Hà Nội.

Thời điểm đó, ông Hậu phải tự tay làm mọi công việc, từ thu ngân, bảo vệ, đến nấu ăn và phục vụ khách hàng để tiết kiệm chi phí. Ông chia sẻ: "Thị trường Hà Nội khi ấy chưa có một thương hiệu cơm thố nào được vận hành bài bản. Việc quyết định kinh doanh món ăn này là một lựa chọn táo bạo – nếu thành công, Cơm thố Anh Nguyễn sẽ trở thành thương hiệu độc nhất; nhưng nếu thất bại, mọi công sức sẽ đổ bể".

Cơm thố Anh Nguyễn: Chủ đầu tư là 'trang giấy trắng' cũng sẽ 'có cơ hội thành công' sau 6 tháng nhượng quyền
Ông Nguyễn Văn Hậu, người sáng lập chuỗi Cơm thố Anh Nguyễn

Ông Hậu nhấn mạnh rằng ba yếu tố cốt lõi giúp Cơm thố Anh Nguyễn đạt được thành công là chất lượng ổn định, giá cả hợp lý (50.000 - 60.000 đồng/suất), và khả năng bán hàng hiệu quả trên các nền tảng giao đồ ăn. Từ những ngày đầu, Cơm thố Anh Nguyễn đã hợp tác với các nền tảng đầu tiên như Shopee Food, Grab, Gojek, và Baemin, bắt đầu với số vốn khởi nghiệp chỉ 70 triệu đồng.

Khi hợp tác với các ứng dụng giao hàng, thương hiệu này được hưởng mức chiết khấu ưu đãi, chỉ từ 13% đến 15%, thấp hơn so với mức chiết khấu 22%-25% của các thương hiệu khác. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút nhiều khách hàng đặt hàng trực tuyến hơn.

Một trong những điểm mấu chốt để đạt lợi nhuận khi bán hàng online, theo ông Hậu, là phải kiểm soát chi phí dành cho các ứng dụng giao đồ ăn. Ông đưa ra công thức tính giá bán: Giá cost sản phẩm (giá vốn) chiếm 32% giá bán trên nền tảng, và từ đó xác định giá bán phù hợp để đạt được lợi nhuận. Ví dụ, với một suất ăn có giá cost 19.200 đồng, giá bán trên ứng dụng sẽ là 60.000 đồng/suất. Sau khi trừ đi các chi phí và khuyến mại, ông Hậu vẫn có thể đạt được mức lãi gộp khoảng 47%.

Phủ khắp thị trường với mô hình nhượng quyền, chủ đầu tư là “trang giấy trắng” cũng sẽ “có cơ hội thành công”

Trong giai đoạn đầu, Cơm thố Anh Nguyễn chỉ mở được 5 cửa hàng trong 5 năm. Tuy nhiên, sự kiện mang tính bước ngoặt của thương hiệu này đến vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi nhiều doanh nghiệp F&B phải vật lộn để tồn tại, Cơm thố Anh Nguyễn vẫn phát triển mạnh nhờ đẩy mạnh hình thức giao hàng trực tuyến và liên tục mở rộng hệ thống. Chỉ trong hai năm đại dịch, thương hiệu này đã khai trương thêm 18 chi nhánh mới, nâng tổng số cơ sở lên 120 vào thời điểm hiện tại.

Bên cạnh tận dụng hệ thống giao hàng trực tuyến, Cơm thố Anh Nguyễn đã thành công trong việc mở rộng hệ thống nhờ mô hình nhượng quyền linh hoạt “được tinh gọn tối ưu, đơn giản nhất”, chủ đầu tư là “trang giấy trắng” cũng sẽ “có cơ hội thành công”.

Cơm thố Anh Nguyễn: Chủ đầu tư là 'trang giấy trắng' cũng sẽ 'có cơ hội thành công' sau 6 tháng nhượng quyền
Cơm Thố Anh Nguyễn thu hút được nhiều đối tác nhượng quyền

>> Chủ Cơm thố Anh Nguyễn: 1 suất ăn giá vốn 19.200 đồng, nhân ngược lại 32% là ra giá bán 60.000 đồng trên app

Với mức vốn đầu tư ban đầu từ 260 đến 390 triệu đồng cho mỗi cơ sở, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng thu hồi vốn chỉ sau 6-8 tháng. Ông Hậu nhận định: "Nếu không mở rộng và có chiến lược dài hạn, thương hiệu khó tồn tại trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường".

Ông Nguyễn Văn Hậu, chia sẻ tại một sự kiện F&B ở TP HCM, cho rằng thời gian hoàn vốn trung bình 3-4 năm trong ngành F&B là quá dài. Với 120 cơ sở hiện tại của Cơm thố Anh Nguyễn, tỷ lệ thất bại chỉ 3-5 cơ sở, chủ yếu do quản lý và địa điểm kém, không phải vì chất lượng. "Tôi không muốn kinh doanh nếu phải mất 3-4 năm mới hoàn vốn", ông Hậu nói.

Bên cạnh đó, ông Hậu cũng từng chia sẻ, việc mở thêm địa điểm để rút ngắn khoảng cách giao hàng, giảm thời gian chờ đợi của khách và chi phí vận chuyển là một lợi thế đối với thương hiệu. Cụ thể với Cơm thố Anh Nguyễn tại Hà Nội, trung bình cứ mỗi 3 km lại có một cửa hàng, đảm bảo rằng vị trí xa nhất mà khách hàng có thể gọi món về nhà chỉ là 1,5 km.

Ông Hậu cho biết, một trong những điểm mạnh giúp Cơm thố Anh Nguyễn thu hút được nhiều đối tác nhượng quyền là chất lượng sản phẩm và dịch vụ: "Từ việc lựa chọn nguyên liệu tốt nhất, quy trình chế biến nghiêm ngặt đến cách phục vụ chuyên nghiệp và tận tâm, tất cả đều được chúng tôi cam kết giữ vững để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng".

Cơm thố Anh Nguyễn: Chủ đầu tư là 'trang giấy trắng' cũng sẽ 'có cơ hội thành công' sau 6 tháng nhượng quyền
Suất cơm với 'vật thể lạ' đang được lan truyền trên mạng xã hội

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến chuỗi Cơm thố này, trên mạng xã hội xôn xao trước 1 bài viết của 1 tài khoản tố quán cơm thố nổi tiếng A.N nằm trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Theo đó, trong suất cơm sườn của quán cơm này xuất hiện hàng chục vật thể lạ màu trắng được cho là trứng ruồi bám trên miếng sườn. Khách hàng tên L gọi nhân viên ra để phản ánh về suất cơm thì người này khẳng định đây không phải trứng ruồi mà đó là tủy. Chủ quán có nhắn đổi suất cơm khác cho L nhưng cô và gia đình không thể ăn nổi nữa nên đứng dậy đi về bỏ lại 3 suất cơm đã gọi.

Dù sự việc đã được phản ánh, thế nhưng khi khách hàng bỏ đi, chủ và nhân viên của quán đều không xin lỗi. Dưới bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự bức xúc và tuyên bố sẽ ‘tẩy chay’ quán cơm này. Được biết, 1 suất cơm tại quán A.N đang bán dao động trong khoảng 35.000-60.000 đồng. Hiện hãng vẫn chưa có thông báo nào chính thức liên quan đến vụ việc

>> Du học sinh Mỹ 18 tuổi gọi vốn cho chuỗi cơm tấm 'fast casual', các Shark tranh nhau đưa deal

Chủ Cơm thố Anh Nguyễn: 1 suất ăn giá vốn 19.200 đồng, nhân ngược lại 32% là ra giá bán 60.000 đồng trên app

Du học sinh Mỹ 18 tuổi gọi vốn cho chuỗi cơm tấm 'fast casual', các Shark tranh nhau đưa deal

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/com-tho-anh-nguyen-chu-dau-tu-la-trang-giay-trang-cung-se-co-co-hoi-thanh-cong-sau-6-thang-nhuong-quyen-247733.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cơm thố Anh Nguyễn: Chủ đầu tư là 'trang giấy trắng' cũng sẽ 'có cơ hội thành công' sau 6 tháng nhượng quyền
    POWERED BY ONECMS & INTECH