Cơn gió nào khiến giá cà phê hạ nhiệt?
Giá cà phê Robusta thế giới và Việt Nam liên tục thiết lập các mức đỉnh mới trong 3 tháng đầu năm 2024 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Sang quý II, sự bổ sung cà phê vụ mới từ Brazil và Indonesia dự kiến sẽ giúp hạ nhiệt đà tăng của giá…
Giá liên tục vượt đỉnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Ba tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ “hoàng kim” đối với giá cà phê Robusta khi liên tục thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử.
Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đạt mức cao nhất 30 năm vào ngày 27/3, tăng lần lượt 30% và 70% so với đầu năm 2024 và cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, thông tin từ trang giacaphe.com cho thấy, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam cũng thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, tiệm cận mức 100.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất từng ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Nguồn cung ở mức thấp tại các nước xuất khẩu chính, kết hợp cùng nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu hàng đầu tạo thành hỗ trợ kép cho đà tăng của giá cà phê những tháng đầu năm.
Căng thẳng trên Biển Đỏ làm gián đoạn tuyến đường huyết mạch cung ứng cà phê Robusta từ châu Á sang các thị trường tiêu thụ chính là Mỹ và châu Âu từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao đã gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại các thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, tình hình tồn kho cạn kiệt đã đẩy nhu cầu về cà phê tăng đột biến. Theo báo cáo từ Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), lượng Robusta lưu trữ tại các kho của khu vực này tính đến hết tháng 2/2024 đã giảm về mức 114.117 tấn, thấp nhất năm kể từ năm 2019, thời điểm bắt đầu thống kê theo từng dòng cà phê.
Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê ở mức thấp tại các quốc gia xuất khẩu chính cũng góp phần quan trọng thúc đẩy giá tăng mạnh trong những tháng qua. Theo đó, El Nino khiến thời tiết tại các khu vực sản xuất cà phê chính của Việt Nam và Indonesia trở nên khô hơn bình thường. Điều kiện phát triển không bảo đảm dẫn đến sản lượng sụt giảm. Tại Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao (VICOFA) dự báo sản lượng vụ 23/24 giảm thêm 10% so với vụ trước đó, về khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26-27 triệu bao loại 60 kg). Trong khi đó, sản lượng Robusta của Indonesia giảm về mức thấp nhất 12 năm, với khoảng 8,4 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
Nguồn cung vụ mới được bổ sung từ Brazil và Indonesia
Sau nhiều tháng đối mặt với tình hình nguồn cung ở mức thấp, thị trường cà phê bắt đầu đón nhận tín hiệu mới từ hoạt động thu hoạch tại Brazil và Indonesia.
Tại Brazil, một số vùng trồng Robusta sớm tại Espirito Santos sẽ bắt đầu vụ thu hoạch cà phê vào đầu quý II/2024. Theo dự báo từ Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (CONAB), sản lượng Robusta vụ 24/25 đạt gần 15 triệu bao, tăng hơn 7% so với vụ trước. Trong đó, Espirito Santos tiếp tục là vùng canh tác chính, chiếm tới 65% tổng lượng Robusta của quốc gia này.
Trong bối cảnh sản lượng cà phê vụ 24/25 được cải thiện, khả năng cao Brazil sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu giống cà phê giàu vị đắng, nối dài chuỗi kỷ lục gần đây. Tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 7/2023) đến hết tháng 2/2024, Brazil đã xuất khẩu khoảng 5 triệu bao Robusta dạng hạt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Brazil đã bước vào những tháng cuối của niên vụ, lượng Robusta xuất đi hàng tháng vẫn duy trì 500-600 nghìn bao, là lượng xuất khẩu kỷ lục so với cùng kỳ các vụ trước.
Bên cạnh Brazil, sang tháng 4, Indonesia, quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ ba thế giới cũng bước vào vụ cà phê mới.
Trái ngược với sự khởi sắc tại Brazil, El Nino vẫn đeo bám tại các vùng sản xuất cà phê chính Indonesia, khiến cho sản lượng Robusta thu hoạch trong năm 2024 được dự báo vẫn ở mức thấp.
Trước tình hình sản lượng còn nhiều hạn chế, kết hợp cùng nguồn cung các vụ trước ở mức thấp, khả năng cao hoạt động xuất khẩu cà phê của Indonesia trong thời gian tới chưa thể cải thiện đáng kể. Trong năm 2023, quốc gia Đông Nam Á này chỉ xuất đi khoảng 2,5 triệu bao dạng hạt, giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Sự bổ sung cà phê từ Brazil và Indonesia đang là một trong những thông tin quan trọng bậc nhất đối với thị trường cà phê toàn cầu. Đặc biệt, khả năng bù đắp nguồn cung mới từ hoạt động xuất khẩu của hai quốc gia này so với những thiếu hụt từ Việt Nam sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định diễn biến giá cà phê trong quý II.
Nhận định về giá cà phê trước bối cảnh bổ sung nguồn cung từ Brazil và Indonesia, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV nhấn mạnh: Giá cà phê khả năng cao sẽ hạ nhiệt từ giữa quý II nhưng khó giảm mạnh. Tâm lý thị trường có thể ổn định hơn khi có nguồn cung bổ sung từ Brazil và Indonesia nhưng lượng hàng từ hai quốc gia này không đủ để bù đắp cho Việt Nam. Giá Robusta thế giới dự kiến còn hướng lên vùng kỷ lục 4.000 USD/tấn, sau đó sẽ có nhịp điều chỉnh xuống. Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô sẽ tiếp tục hướng tới các mức trên 100.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt theo giá thế giới.
Biến đổi khí hậu làm thay đổi 'cuộc chơi' của thị trường cà phê