Con phố sầm uất ven Hồ Tây sở hữu nhiều báu vật của Thăng Long xưa, lập kỷ lục ‘phố có nhiều cổng làng nhất Việt Nam’
Đến con phố này, cứ đi vài chục mét, bạn sẽ thấy đan xen giữa những căn nhà hiện đại lại điểm vài cổng, đình làng cổ kính.
Phố Thụy Khuê nằm ven Hồ Tây sầm uất, bắt đầu từ giao điểm của phố Quán Thánh - đường Thanh Niên chạy dài đến ngã ba đường Bưởi - Lạc Long Quân. Con phố này không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thơ mộng mà còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều báu vật văn hóa của Thăng Long xưa. Tại đây, những chiếc cổng làng cổ kính đã trở thành biểu tượng độc đáo, được mệnh danh là "đẹp nhất Kinh kỳ".
Theo một thống kê đến cuối năm 2013, trên địa bàn Hà Nội còn lại 98 cổng làng, không tính các khu vực sáp nhập từ Hà Tây (cũ). Trong số đó, Thụy Khuê là con phố có nhiều cổng làng nhất. Chỉ trên đoạn đường chưa đầy 1km từ đền Voi Phục đến chợ Bưởi, đã có hơn 10 cổng làng cổ, mỗi cổng mang dáng vẻ riêng biệt, không lẫn vào đâu được.
Cổng làng ở Thụy Khuê có sự đặc biệt ở chỗ mỗi cổng lại mang một kiến trúc, kích thước khác nhau, tạo nên nét độc đáo không thể nhầm lẫn. Mặc dù nhiều cổng đã được tu bổ qua thời gian, chúng vẫn giữ được vẻ cổ kính, rêu phong, gợi nhắc về một thời quá vãng. Đặc biệt, các cổng làng đều được khắc chạm câu đối chữ Nho, thể hiện giá trị văn hóa và truyền thống sâu sắc.
Đầu tiên phải kể đến cổng đình làng Yên Thái, nằm ngay ngã tư chợ Bưởi. Gần đó là cổng Giếng – lối vào khác của làng Yên Thái. Nước giếng Yên Thái trong mát đã đi vào ca dao dân gian, tạo nên hình ảnh gắn liền với đời sống người dân:
"Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái gạch lát dễ đi".
Hay:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ".
Trên cổng làng Yên Thái còn treo bức đại tự “Mỹ Tục Khả Phong”, do vua Tự Đức ban tặng năm thứ 19, như một lời khen ngợi phong tục tốt đẹp của làng. Ngoài ra, bảng tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng năm 1946 cũng được đặt trang trọng tại đây.
Dọc theo phố Thụy Khuê, làng An Thọ tiếp nối với ba cổng chính: cổng đình An Thọ, cổng Hầu và cổng Xanh. Trong đó, cổng Xanh ở đầu ngõ 514 Thụy Khuê mang tên gốc là cổng Canh, do trước đây cổng đóng vai trò bảo vệ làng khỏi giặc cướp. Qua thời gian, cổng Canh được gọi chệch thành cổng Xanh.
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê từng có 5 bậc lên xuống, nhưng đã được phá bỏ để thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, dòng chữ "An Đông chính lộ" trên cổng vẫn còn nguyên vẹn, ghi dấu nét đẹp văn hóa của làng xưa.
Làng Hồ Khẩu là làng có nhiều cổng nhất tại đất Kẻ Bưởi này, với 3 cổng lớn bề thế, vững chãi. Trước đây, cổng chính của làng chỉ được mở ra khi có lễ hội hoặc dịp quan trọng. Giờ đây nó đã trở thành nơi họp chợ của người dân. Qua thời gian, những cổng phụ của làng Hồ Khẩu đã được xây bằng để dễ dàng cho xe máy đi lại nhưng riêng cổng chính thì vẫn giữ nguyên bậc tam cấp để cho người dân có thể đi bộ mà vẫn giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng.
Cổng Giáp Bắc ở số 378 Thụy Khuê. Cổng nằm phía bên trái tam quan đình, với đôi câu đối miêu tả nét đẹp của người dân trong làng.
Cổng Giáp Đông nằm ở số 324 Thụy Khuê. Năm 1994, cổng Giáp Đông được dân làng Hồ Khẩu phục dựng lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô.
Bên cạnh các cổng làng, Thụy Khuê còn nổi tiếng với nhiều đình chùa cổ kính như đền Đồng Cổ, đền Vệ Quốc, đình An Thái, đình Đông Xã… Những di tích này đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia, là chứng nhân cho quá trình hình thành và phát triển văn hóa của đất Thăng Long.
Mặc dù đã trải qua nhiều biến động xã hội, các cổng làng tại Thụy Khuê vẫn giữ được vị trí quan trọng trong tiềm thức của người dân. Những cánh cổng làng không chỉ là nơi giao thoa giữa phố thị và làng quê, mà còn mang đến cảm giác gần gũi, thân quen. Người dân nơi đây luôn cố gắng gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa ấy, để mỗi khi trở về, họ có thể bước qua cánh cổng làng và cảm nhận lại hồn quê mộc mạc, yên bình.
Thụy Khuê với những cổng làng cổ kính, không chỉ là một con phố sầm uất mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của Thăng Long xưa. Những cổng làng nơi đây đã và đang kể lại câu chuyện về một Hà Nội cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng đầy thân thuộc và ấm áp.