Xã hội

Công an vô hiệu hóa ‘mã độc’ trong ứng dụng giả mạo, giúp nạn nhân lấy lại gần 700 triệu đồng

Hải Châu 23/02/2025 08:15

Người phụ nữ bị trừ gần 700 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng sau khi đăng nhập vào một ứng dụng để thanh toán tiền điện còn nợ.

Nhiều người dân vẫn sập bẫy lừa đảo từ những cuộc gọi giả danh

Chiều 16/2/2025, chị P.T.H. (sinh năm 1972, trú phường Nghi Hương, TP Vinh) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên điện lực. Người này thông báo gia đình bà đang nợ tiền điện và yêu cầu thanh toán gấp qua một ứng dụng được gửi qua Zalo. Nếu chậm trễ, công ty sẽ cắt điện ngay lập tức.

Do tin tưởng, bà H. làm theo hướng dẫn, truy cập vào đường link trong tin nhắn và đăng nhập vào ứng dụng có giao diện giống hệ thống thanh toán tiền điện chính thống. Sau khi thực hiện giao dịch, điện thoại báo trừ tiền hai lần liên tiếp với tổng số tiền lên tới 692 triệu đồng.

Nhận thấy điều bất thường, bà H. lập tức đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Nghệ An) để trình báo sự việc.

Công an vô hiệu hóa ‘mã độc’ trong ứng dụng giả mạo, giúp nạn nhân lấy lại gần 700 triệu đồng - ảnh 1
Nhiều người dân vẫn sập bẫy lừa đảo từ những cuộc gọi giả danh. Ảnh minh họa

Qua điều tra, cơ quan công an xác định bà H. đã bị lừa tải về ứng dụng giả mạo có tên Epoint. Ứng dụng này chứa mã độc, có khả năng chiếm quyền kiểm soát thiết bị của người dùng.

Kẻ gian đã sử dụng công nghệ Caller ID Spoofing để làm giả số điện thoại, khiến nạn nhân tin rằng họ đang nhận cuộc gọi chính thức từ công ty điện lực. Đồng thời, mã QR thanh toán cũng được thiết kế tinh vi, mô phỏng logo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm tăng độ tin cậy.

Ngay khi nhận tin báo, trinh sát đã phối hợp với ngân hàng để kiểm tra giao dịch. Rất may, do giao dịch được thực hiện vào ngày nghỉ, số tiền tuy đã bị trừ khỏi tài khoản của bà H. nhưng chưa kịp chuyển đến tài khoản của kẻ lừa đảo. Ngân hàng lập tức ngăn chặn và phong tỏa số tiền này.

Dù may mắn lấy lại được 692 triệu đồng, bà H. vẫn đối diện nguy cơ mất tiền do sổ tiết kiệm online của bà đang bị kiểm soát bởi mã độc. Kẻ gian có thể lợi dụng điều này để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt với yêu cầu xác thực bằng nhận diện khuôn mặt.

Đến sáng ngày 17/2/2025, toàn bộ số tiền trong tài khoản của bà H. đã được ngân hàng hoàn lại đầy đủ. Quá xúc động, bà đã viết thư cảm ơn gửi đến Công an tỉnh Nghệ An vì sự hỗ trợ kịp thời.

Cảnh báo từ EVN: Cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo

Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi gian lận hoặc lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính từ 3 5 triệu đồng.

Ngoài ra, gọi điện lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, hoặc chiếm đoạt từ 50 dưới 200 triệu đồng, mức phạt tù từ 2 - 7 năm. Với tài sản từ 200 dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, mức phạt từ 7 - 15 năm. Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, mức phạt có thể từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Công an vô hiệu hóa ‘mã độc’ trong ứng dụng giả mạo, giúp nạn nhân lấy lại gần 700 triệu đồng - ảnh 2
Khi nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh nhân viên ngành Điện, khách hàng sử dụng điện hãy gọi đến tổng đài của các trung tâm chăm sóc khách hàng trong EVN để được tư vấn, hỗ trợ. Nguồn ảnh: EVNHANOI

Để ngăn chặn hành vi giả mạo, EVN khuyến cáo khách hàng không làm theo hướng dẫn của đối tượng hoặc văn bản giả mạo, không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị lừa đảo và ảnh hưởng đến uy tín EVN. Tập đoàn cũng khẳng định mọi giao dịch thu tiền điện đều qua các kênh chính thức, không sử dụng tài khoản cá nhân. Nhân viên Điện lực luôn tuân thủ nghiêm quy định chăm sóc khách hàng.

Khách hàng nên thanh toán tiền điện qua các kênh an toàn như ngân hàng (thanh toán tự động, Internet banking, Mobile banking), ví điện tử (Viettel Money, VNPT Money, Vnpay, Momo,…). Nếu nhận được cuộc gọi nghi vấn lừa đảo, hãy liên hệ ngay tổng đài chăm sóc khách hàng theo khu vực để được hỗ trợ kịp thời.

Các số điện thoại tổng đài Chăm sóc khách hàng ngành Điện:

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): 19006769;

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): 19001909;

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC): 19001006/19009000;

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI): 19001288;

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC): 1900545454.

>> "Kẻ xấu dùng tới 195 hệ thống để lừa người dùng cài app giả mạo"

Người phụ nữ ở Hà Nội mất 10 triệu đồng vì tải ứng dụng giả mạo EVN

Ra mắt tính năng mới giúp người dân phát hiện ứng dụng giả mạo dịch vụ công

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/cong-an-vo-hieu-hoa-ma-doc-trong-ung-dung-gia-mao-giup-nan-nhan-lay-lai-gan-700-trieu-dong-137314.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công an vô hiệu hóa ‘mã độc’ trong ứng dụng giả mạo, giúp nạn nhân lấy lại gần 700 triệu đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH