Công trình nhà hát mới tinh nằm giữa giao điểm 4 phố lớn, kỳ công nhập 52 cột đá nguyên khối từ Tây Ban Nha về xây dựng
Nhà hát Hồ Gươm là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam lắp đặt các loại trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, từ opera, nhạc giao hưởng...
Tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức khánh thành nhà hát Hồ Gươm ngay gần hồ Gươm. Điểm đáng chú ý nhất của công trình là 2 cột đá nguyên khối nhập khẩu từ Tây Ban Nha, được giới thiệu có "trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới".
Cụ thể, Nhà hát Hồ Gươm có quy mô 5.000m2, do Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng tại vị trí đắc địa cách hồ Gươm chỉ vài trăm mét (40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Nhà hát nằm tại giao điểm 4 con phố lớn trung tâm Hà Nội, sẽ là một điểm văn hóa mới kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc ngàn năm tuổi, tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm.
Dù được khởi công xây dựng trong đại dịch COVID-19, dự án đã được hoàn thành chỉ trong thời gian 22 tháng.
Kiến trúc của Nhà hát Hồ Gươm
Nhà hát Hồ Gươm gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế theo lối kiến trúc Tân cổ điển. Văn phòng kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị đã đưa ra phương án thiết kế nhà hát hài hòa với kiến trúc và cảnh quan tự nhiên khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Nhà hát có sáu tầng nổi, ba tầng hầm, gồm khán phòng chính lên đến 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác.
Các kiến trúc sư chọn cách gây ấn tượng cho công trình với mọi người nhìn từ bên ngoài bằng 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà tăng tính hiện đại của công trình.
Sảnh chính của Nhà hát Hồ Gươm được lấy ý tưởng của bầu trời đầy sao đêm.
Việc xây dựng nhà hát được cho là vô cùng công phu. Từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc...
Các họa tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… tại các phòng khách, phòng VIP hay các khu chức năng là những nét văn hóa truyền thống Việt Nam được đưa vào nhuần nhị trong công trình kiến trúc hiện đại này.
Đặc biệt ấn tượng là bức điêu khắc kính Huyền thoại hồ Gươm đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Hệ thống âm thanh hiện đại nhất trên thế giới
Theo chủ đầu tư, Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu…
Nhà hát có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ opera, giao hưởng thính phòng, nhạc kịch, balle - múa, cho tới các chương trình biểu diễn âm nhạc hiện đại, các hội thảo, show truyền hình...
Các trang thiết bị âm thanh đều được đặt hàng riêng tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới.
Hệ thống âm thanh biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm gồm hệ thống loa Array và loa Constellation. Trong đó hệ thống loa Constellation sử dụng một loạt micrô cảm biến xung quanh khán phòng và khu vực vỏ sân khấu, bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số tinh vi và hệ thống loa "đẳng cấp thế giới".
Theo chủ đầu tư, đây là hệ thống hiện đại bậc nhất trên thế giới, chỉ một số ít nhà hát được trang bị.
Nhà hát Hồ Gươm còn có hệ thống điều khiển hội trường và khán phòng hiện đại, có thể chuyển đổi không gian trong vài phút, cho phép thay đổi nhiều cấu hình khán phòng khác nhau trong cùng một ngày, giúp linh hoạt tổ chức các sự kiện có tính chất khác biệt.
Công trình nhà hát hơn 100 năm tuổi đậm kiến trúc Pháp tại TP HCM, 3 lần đổi tên mới về được tên gốc