Doanh số kiều hối hợp nhất của hệ thống Vietcombank năm 2023 đạt 4 tỷ USD.
Năm 2023, công ty TNHH MTV Kiều hối Vietcombank (Vietcombank Remittance: VCBR) là đơn vị có doanh số chi trả lớn nhất Việt Nam. Doanh số kiều hối hợp nhất của hệ thống Vietcombank đạt 4 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 24% thị phần kiều hối Việt Nam.
Công ty TNHH MTV Kiều hối Vietcombank (VCBR) thành lập năm 2017 với vốn đầu tư 30 tỷ đồng. VCBR là công ty con do Vietcombank sở hữu 100% vốn, hoạt động trong lĩnh vực nhận kiều hối từ đối tác nước ngoài và thực hiện chi, trả cho người thụ hưởng tại Việt Nam.
Vietcombank Remittance chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 nhưng những thông tin về công ty kiều hối của Vietcombank khá kín tiếng. Kể từ khi Nghị định 47/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Vietcombank là một trong những doanh nghiệp Nhà nước phải công bố thông tin báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm của doanh nghiệp. Nhờ đó, bức tranh kinh doanh của VCBR được thông tin chi tiết hơn.
Năm 2019, Vietcombank Remittance thu về 2,42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tăng dần theo các năm. Đến năm 2023, tương ứng với doanh số chi trả đứng đầu Việt Nam, VCBR cũng mang về kỷ lục lợi nhuận 23,23 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất năm 2022, tổng tài sản công ty TNHH MTV Kiều hối Vietcombank đạt 1.340,27 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 1.293,20 tỷ đồng lần lượt giảm 292,51 tỷ đồng và 298,79 tỷ đồng so với năm 2021. Doanh thu VCBR đạt 81,83 tỷ đồng giảm đi hơn nửa so với năm ngoái và mang về 8,39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD. Kiều hối năm 2023 chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, con số này cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia lý giải, nền kinh tế thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, để sớm phục hồi nền kinh tế, một số nước tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh và chính sách y tế. Điều này giúp cho lượng người Việt Nam đi xuất khẩu tăng lên.
Vietcombank Remittance cho biết công ty đã nghiên cứu xu hướng xuất khẩu lao động và kịp thời định hướng có những chính sách đặc biệt với các đối tác thuộc thị trường xuất khẩu lao động lớn, đặc biệt là Hàn Quốc.
Từ tháng 9/2023, nhằm nâng cao mối quan hệ đối tác với các đối tác Hàn Quốc, Vietcombank Remittance đã đăng cai tổ chức sự kiện "Hội nghị Đối tác Hàn Quốc 2023" và chuỗi các hoạt động liên quan. Đây là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ giữa Vietcombank Remittance và các đối tác Hàn Quốc, tạo nên sự kết nối vững chắc. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn mà còn đóng góp vào việc nâng cao trải nghiệm của đối tác, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường kiều hối.
Theo kế hoạch được thống nhất giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, năm 2024, phía Hàn Quốc sẽ tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình EPS với số lượng dự kiến hơn 15.000 người.
Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên những năm gần đây thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực, nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản đánh bắt cá, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà.
Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài như tăng hạn ngạch theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS).