ByteDance, công ty mẹ TikTok đã ra mắt Coze, nền tảng tương tự GPT của OpenAI, cho phép người dùng tùy biến chatbot AI cho các công việc cụ thể.
Coze ra mắt hôm 1/2 tại Trung Quốc, nơi các dịch vụ của OpenAI chưa chính thức có mặt. ByteDance mô tả Coze là “nền tảng phát triển AI một cửa”, cho phép người dùng nhanh chóng “tạo ra một con bot mà không cần lập trình”.
Sau khi tạo bot, người dùng có thể chia sẻ nó qua các ứng dụng của ByteDance như công cụ làm việc Feishu hay thậm chí siêu ứng dụng WeChat.
>> Doanh thu 5 sàn thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 310 nghìn tỷ năm 2024
Website của Coze do Beijing Chuntian Zhiyun Technology trực thuộc Beijing Douyin Information Service vận hành.
Gần đây, ByteDance đã đóng cửa nền tảng game Momoyu và bách khoa toàn thư y tế Baikemy, nhấn mạnh trọng tâm mới vào AI trong bối cảnh ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh khác ngày càng phổ biến.
ByteDance mua Baikemy với giá 500 triệu NDT (70 triệu USD) năm 2020 khi nhu cầu chăm sóc y tế tăng vọt giữa dịch Covid-19, theo trang tin Yicai.
CEO ByteDance Liang Rubo đầu tuần này đã mắng nhân viên vì “không đủ nhạy cảm” trước sự xuất hiện của các công nghệ mới như ChatGPT. Theo bản ghi chép một cuộc họp nội bộ được công bố trên website công ty, Liang cho biết nhân viên chỉ bắt đầu nói về ChatGPT năm 2023 dù chatbot phát hành cho công chúng từ tháng 11/2022.
Theo người đứng đầu ByteDance, các startup mô hình ngôn ngữ lớn đang hoạt động tốt về cơ bản được thành lập từ năm 2018 đến 2020. Công ty mẹ TikTok đã ra mắt chatbot Doubao và Cici AI vào nửa sau năm 2023 sau khi các đối thủ Baidu và Alibaba công bố dịch vụ vào tháng 3 và tháng 4 cùng năm.
Ngoài ra, ông còn chỉ trích nhân viên thiếu “cảm giác khủng hoảng”. Ông nói một trong những ưu tiên của họ năm nay sẽ là luôn duy trì trạng thái “như ngày đầu”, liên quan đến tinh thần khởi nghiệp.
Hệ thống đề xuất nội dung dựa trên AI của ByteDance, cung cấp nội dung được cá nhân hóa cho người dùng dựa trên sở thích và hoạt động xem của họ trong các ứng dụng như TikTok và công cụ tổng hợp tin tức Jinri Toutiao, từ lâu đã được xem là một trường hợp sử dụng AI rất thành công trong ngành.
Công nghệ đã biến Musical.ly – dịch vụ được ByteDance mua lại năm 2017 và sau đó nhập với TikTok – thành ứng dụng phổ biến nhất thế giới của một công ty Trung Quốc.
CEO Liang nhận xét ByteDance phản ứng chậm chạp với các xu hướng công nghệ mới hơn so với một số startup đã “ngay lập tức phát hiện các dự án mới trên GitHub, sau đó mua lại hoặc bắt tay với họ”. Ông bổ sung công ty sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách thưởng giữa những người làm việc hiệu quả nhất và kém nhất để giữ chân nhân tài.
Đầu tháng 1, ByteDance cập nhật chính sách tiền lương, công bố mức thưởng hằng năm tương ứng ba tháng lương. Thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên vẫn thường nhận thưởng cao hơn, chẳng hạn các nhân viên tối ưu hóa và thiết kế sản phẩm được thưởng tối đa 6 tháng lương.
(Theo SCMP)
>> Cảnh giác với mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền kép dịp Tết Nguyên đán 2024