Trước khi CPI Mỹ tháng 10 được công bố, khối ngoại đã bán ròng gần 2.300 tỷ đồng trên sàn HOSE chỉ sau 6 phiên - xấp xỉ mức bán ròng trong cả tháng 10.
Sau phiên giảm nhẹ đầu tuần, VN-Index có nhịp hồi phục đáng kể trong phiên 14/11 với lực đỡ chủ lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đóng cửa, VN-Index tăng 9,7 điểm và quay trở lại sát mốc 1.110; VN30-Index thậm chí tăng 12,56 điểm với 25 mã tăng và 5 mã giảm. Các mã SHB (+3,6%); VPB, BID, STB tăng trên 2% và MBB, TCB, CTG, ACB,... tăng từ 1 - 2% là động lực chính kéo tăng chỉ số.
Xét tổng thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận 25 mã tăng giá và chỉ 2 mã giảm nhẹ. Cổ phiếu EIB thậm chí đóng cửa tại mức giá trần 19.000 đồng/cp - khối lượng giao dịch gần 24 triệu đơn vị - chỉ sau SHB.
Giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 19.400 tỷ đồng trong đó 3.940 tỷ ở nhóm bất động sản, 3.460 tỷ ở nhóm ngân hàng và 3.270 tỷ ở nhóm chứng khoán.
Khối ngoại ghi nhận giá trị bán ròng 534 tỷ đồng trên sàn HOSE và nối dài nhịp xả bán lên 6 phiên liên tiếp (tổng giá trị bán ròng 2.277 tỷ đồng).
Phiên hôm nay, dòng tiền nước ngoài cũng rút 28 tỷ khỏi sàn HNX và 9,4 tỷ trên sàn UPCoM.
Cổ phiếu HPG và MWG bị bán mạnh nhất, lần lượt 2,6 triệu đơn vị và 3,1 triệu đơn vị. Ngược lại, VND, VCG, DXG, HSG, SSI, STB được gom từ 1 - 2,4 triệu cp.
Diễn biến giao dịch khối ngoại trên sàn HOSE 1 tháng gần nhất |
Thông tin cập nhật, theo số liệu Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, chỉ số lạm phát Mỹ (CPI) tháng 10/2023 tăng 3,2% so với cùng kỳ và không thay đổi so với tháng trước và thấp hơn 0,1% so với mức dự báo của các chuyên gia.
Loại trừ giá các mặt hàng dễ biến động như năng lượng, thực phẩm, CPI lõi của Mỹ tăng 0,2% - thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Lạm phát Mỹ không tăng trở thành tin tức đáng mừng đối với các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi thời gian qua Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm và đang theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế để đưa ra động thái kế tiếp.
Từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã nâng lãi suất 11 lần lên mức 5,25 - 5,5%.
Những động thái trên cùng với áp lực tỷ giá USD phần nào hạ nhiệt được một số chuyên gia chứng khoán đánh giá có lợi cho thị trường chứng khoán trong nước, đặc biệt là động thái giao dịch của dòng tiền khối ngoại trong thời gian tới.
Trước đó trong tháng 10, VN-Index giảm 126 điểm (-11%) về mức 1.028,1 điểm - mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử các tháng 10 kể từ năm 2000 đến nay. Trong cùng thời gian, khối ngoại bán ròng 2.724 tỷ đồng trên HOSE. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, giá trị bán ròng thậm chí vượt mức 4.000 tỷ đồng.
Xem thêm: Nghịch lý doanh nghiệp bất động sản tăng gấp đôi nhân sự, giảm 2/3 chi phí môi giới
Khối ngoại mua ròng đột biến cổ phiếu DIC Corp (DIG)
Vì đâu Vinhomes (VHM) lột xác từ cổ phiếu kén khách thành tâm điểm thị trường?