Doanh nghiệp

Cứ 200 người dân Việt Nam thì có 1 quán cà phê

Hải Đường 15/08/2024 - 16:16

Nhóm người tiêu dùng trẻ (18-30 tuổi) đang trở thành phân khúc trọng tâm mà các thương hiệu cà phê nhắm đến.

Thị trường cà phê Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với hơn 500.000 quán cà phê trên cả nước, từ các quán nhỏ lẻ trong các con hẻm đến những chuỗi cà phê hiện đại đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng, theo số liệu từ Mibrand.

Dân số hiện tại của Việt Nam là 99.554.838 người (vào ngày 04/08/2024 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc), như vậy trung bình cứ khoảng 200 người dân sẽ có 1 quán cà phê.

Các chuỗi cà phê lớn như Highlands Coffee, Starbucks, hay những thương hiệu chuyên về trà sữa như Phê La và Katinat đã không ngừng mở rộng quy mô, tạo nên sự đồng nhất về không gian, dịch vụ và chất lượng trên toàn hệ thống. Trong khi đó, các quán cà phê nhỏ lẻ vẫn giữ vai trò quan trọng, phục vụ khách hàng tại các khu dân cư, đặc biệt là những khu vực không có sự hiện diện của các thương hiệu lớn. Sự phát triển này đã tạo ra một bức tranh thị trường đa dạng và sôi động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ngành cà phê tại Việt Nam.

Cứ 200 người dân Việt Nam thì có 1 quán cà phê
45% người tiêu dùng trẻ ưa chuộng cà phê truyền thống

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường cũng đi kèm với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các chuỗi cà phê lớn đang cạnh tranh quyết liệt về quy mô và vị trí cửa hàng, trong khi các thương hiệu nhỏ chọn con đường "concept hóa" để tạo nên sự khác biệt trong một thị trường ngày càng đông đúc. Thị trường cà phê Việt Nam hiện đang phân hóa rõ rệt giữa hai mô hình chính: coffee-based (tập trung vào cà phê) và tea-based (tập trung vào trà). Các chuỗi như Highlands Coffee và The Coffee House đại diện cho coffee-based, trong khi Phúc Long, Phê La, và Katinat nổi bật với tea-based.

>> Sự nghiệp của vợ chồng ‘Vua cà phê’ hậu ly hôn: Người làm 'trùm' xứ Trung, kẻ vang danh đất Mỹ

Khảo sát từ Mibrand cho thấy, 45% người tiêu dùng trẻ ưa chuộng cà phê truyền thống, trong khi 39% lựa chọn cà phê pha máy. Cà phê vẫn là lựa chọn phổ biến cho các mục đích học tập và làm việc, nhờ khả năng cung cấp sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, trà sữa cũng rất được ưa chuộng với 49% lựa chọn, phản ánh sở thích của nhóm khách hàng trẻ đối với các thức uống ngọt và thanh mát.

Hiện tại, thị trường cà phê Việt Nam đang được dẫn đầu bởi năm thương hiệu lớn, bao gồm Highlands Coffee, Trung Nguyên E-Coffee, The Coffee House, Phúc Long, và Katinat. Highlands Coffee dẫn đầu với khoảng 800 cửa hàng trên toàn quốc, tiếp theo là Trung Nguyên E-Coffee với 676 cửa hàng nhượng quyền. Phúc Long sở hữu 174 cửa hàng và 62 kiosk, trong khi The Coffee House vẫn giữ được 115 cửa hàng dù đã co hẹp quy mô so với năm 2023.

Cạnh tranh giữa các chuỗi cà phê không chỉ diễn ra về quy mô mạng lưới mà còn liên quan đến vị trí địa lý, sự thuận tiện, và trải nghiệm khách hàng. Hiểu rõ khẩu vị và hành vi tiêu dùng của người Việt là yếu tố quan trọng đối với các thương hiệu cà phê trong một thị trường đã trưởng thành cả về cung và cầu. Văn hóa cà phê phin truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng, bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của các xu hướng cà phê phương Tây. Để đáp ứng nhu cầu về hương vị mới, các biến tấu từ cà phê truyền thống như cà phê trứng, cà phê muối, cà phê dừa, và cà phê sữa chua đang ngày càng trở nên phổ biến.

Cứ 200 người dân Việt Nam thì có 1 quán cà phê
Số lượng cửa hàng của 5 thương hiệu cà phê top đầu tại Việt Nam

Bên cạnh đó, việc sử dụng cà phê trong bữa sáng kèm các loại đồ ăn 'fastfood Việt Nam' như bánh mì, xôi, bánh bao,... đã trở thành combo rất quen thuộc để khởi đầu ngày mới của giới học sinh sinh viên hoặc nhân viên văn phòng. Thói quen tiêu dùng này đã được các thương hiệu lớn đã nhanh chóng nắm bắt và áp dụng vào thực đơn của mình. Thị trường cà phê Việt Nam mang đậm tính địa phương với các yếu tố như hương vị, cách pha chế và trải nghiệm uống cà phê đều mang dấu ấn văn hóa và truyền thống.

Trong bối cảnh thị trường phát triển nhanh chóng, nhóm người tiêu dùng trẻ (18-30 tuổi) đang trở thành phân khúc trọng tâm mà các thương hiệu cà phê nhắm đến. Họ có nhu cầu đa dạng khi đến quán cà phê, từ gặp gỡ, làm việc cho đến học tập, và thường lựa chọn những quán cà phê nhỏ mặt phố với thiết kế trẻ trung, độc đáo. Báo cáo từ iPOS.vn cho thấy, dù gặp khó khăn kinh tế, thói quen đi cà phê của người Việt không bị ảnh hưởng, thậm chí tần suất tăng nhẹ trong năm 2023 so với 2022. Chi tiêu cho việc đi cà phê tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, với 55,5% người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng/lần cà phê, tăng 58% so với năm trước.

Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của nhóm khách hàng trẻ cũng ảnh hưởng đến cách thức các thương hiệu cà phê xây dựng chiến lược kinh doanh. Dù cà phê truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng, các thức uống mới như trà sữa và các loại trà ngọt đang dần chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt trong phân khúc khách hàng trẻ.

Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 7,56%, thị trường cà phê Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới, là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng đầy thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành.

>> Nữ hoàng cà phê Lê Hoàng Diệp Thảo: Mình chỉ có 1 cuộc đời này thôi, khoan hãy nghĩ rằng mình có kiếp này hay kiếp sau

Nhận tin loạt lãnh đạo từ nhiệm, cổ phiếu của một doanh nghiệp cà phê bất ngờ tăng đột biến 113%

Sự nghiệp của vợ chồng ‘Vua cà phê’ hậu ly hôn: Người làm 'trùm' xứ Trung, kẻ vang danh đất Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cu-200-nguoi-dan-viet-nam-thi-co-1-quan-ca-phe-245466.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cứ 200 người dân Việt Nam thì có 1 quán cà phê
POWERED BY ONECMS & INTECH