Đứng trên đỉnh đèo này, phóng mắt ra xa, bạn sẽ thấy một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non kỳ vĩ, biển trời mênh mông.
Con đèo đi vào thơ ca bi hùng và lãng mạn
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Đó là bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng của bà Huyện Thanh Quan, được dạy trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7.
Đèo Ngang nằm giữa ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đèo nằm trên quốc lộ 1, thuộc dãy núi Hoành Sơn, dài 6km. Phần đất phía Quảng Bình thuộc xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), phần đất phía Hà Tĩnh thuộc xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh). Đèo Ngang cách thị trấn Ba Đồn của huyện Quảng Trạch 24km, cách thành phố Đồng Hới 80km, cách thành phố Hà Tĩnh 75km. Quảng Bình - nơi Đèo Ngang đi qua cũng là nơi hẹp nhất Việt Nam theo chiều Đông-Tây.
Xưa kia, đèo Ngang là nơi phân cách giữa nước Đại Việt và Chiêm Thành. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng ở nơi đây ải Hoành Sơn Quan bằng gạch đá, để kiểm soát việc đi lại qua đèo. Di tích này hiện vẫn tồn tại.
Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), quyển 4 - Đạo Hà Tĩnh chép về Hoành Sơn và đèo Ngang như sau: “Hoành Sơn: Ở địa phận xã Hoằng Lễ về phía nam huyện Kỳ Anh, là chỗ phân chia địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, một dải núi liên tiếp chắn ngang đến biển; phía đông có núi Đao, đường quan đi qua trên núi, xưa là chỗ phân định địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, ở đây có thành bằng đá”.
“Đường quan đi trên núi” như trong sách chép chính là đèo Ngang. Con đèo này cao 256m so với mực nước biển, đường dốc quanh co, hiểm trở, rất khó đi. Khởi nguyên, đèo Ngang qua dãy Hoành Sơn được xây dựng năm 992, dưới sự chỉ đạo của Ngô Tử An, một quan đại thần thời tiền Lê. Trong lịch sử, đèo Ngang từng nhiều lần là nơi giao chiến giữa hai quốc gia Đại Việt và Chăm Pa.
Đèo Ngang là thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung. Đứng trên đỉnh đèo này, phóng mắt ra xa, bạn sẽ thấy một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non kỳ vĩ, biển trời mênh mông.
Gần đèo Ngang về phía Quảng Bình có di tích kiến trúc - nghệ thuât - tôn giáo là đền thờ bà Liễu Hạnh.
Điểm du lịch hoang sơ dành cho các tín đồ yêu thiên nhiên
Đã hơn một ngàn năm từ khi con đường đèo trên dãy Hoành Sơn được mở, đèo Ngang bây giờ đã khác xưa, cảnh vật không còn hoang sơ, u tịch như trước. Dưới chân núi, người đã đông hơn, nhà cửa cũng nhiều hơn. Con đường thiên lý xưa giờ là đường quốc lộ xe chạy suốt ngày đêm. Các phương tiện không còn phải vất vả leo đèo nhờ hầm đường bộ Đèo Ngang xuyên lòng núi được hoàn thành năm 2004 đã rút bớt quãng đường đèo dốc quanh co dài 6km thành đoạn đường bằng phẳng dài 500m.
Nhưng vẫn còn đó những dấu ấn lịch sử không phai mờ. Dưới chân đèo phía nam thuộc địa phận Quảng Bình có đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của người Việt. Và trên đỉnh đèo, Hoành Sơn quan vẫn sừng sững, uy nghiêm giữa đất trời.
Mặc dù là danh thắng quốc gia nhưng đèo Ngang hiện vẫn là điểm du lịch chưa được khai thác nhiều bởi một số hạn chế. Đó là khoảng cách khá xa tới thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), cách 75km về phía bắc, và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), cách 80km về phía nam. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch còn khiêm tốn.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2025, Khu di tích - danh thắng đèo Ngang cùng với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong tuyến du lịch được quy hoạch là một trong những sản phẩm du lịch chính.
Với vẻ đẹp riêng có cùng những lợi thế nhất định, đi kèm với những giải pháp, chiến lược phát triển du lịch đồng bộ cùng sự liên kết giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, chắc chắn đèo Ngang sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách trong tương lai...
Cung đèo 'tuyết phủ trắng xóa' ngay trên trục quốc lộ 6, một ngày có thể đủ 4 mùa trong năm
Cung đèo 'Cổng Trời' đẹp như phim trên quốc lộ 19, một bên là núi, bên kia là vực thẳm