Sống

Cuộc đời "trùm cao ốc", "vua ngân hàng" một thời của Sài Gòn: Không bằng cấp, không kinh nghiệm nhưng khiến giới tài phiệt nhiều phen ngả mũ

Quỳnh Như 28/08/2023 08:26

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng ông Nguyễn Tấn Đời đã trở thành một trong những đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn trước năm 1975.

Trong giai đoạn 1950 - 1975, Sài Gòn có rất nhiều doanh nhân thành đạt, trong đó không thể bỏ qua ông Nguyễn Tấn Đời - "trùm tài phiệt" thứ thiệt. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với tầm nhìn xa trông rộng và am tường về các lĩnh vực kinh tế, ông đã từng bước khẳng định mình và thành công trong nhiều lĩnh vực. Dù phải trải qua nhiều biến cố, tán gia bại sản và bị lưu lạc ở xứ người nhưng cuối cùng ông vẫn gây dựng lại sự nghiệp và khẳng định tài năng kinh doanh xuất chúng của mình.

Giàu lên nhanh chóng nhờ tư duy kinh doanh nhạy bén

Ông Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội của ông là một trong những đại gia tiếng tăm ở làng Bình Hòa thời bấy giờ. Vì thế, từ nhỏ ông đã được gia đình cho ăn học khá đàng hoàng.

Cuộc đời
Chân dung ông Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1945, ông lên Sài Gòn theo học bậc cao đẳng tiểu học nhưng Cách Mạng Tháng Tám nổ ra khiến việc học gián đoạn. Ông trở về quê nhà rồi lại lên Sài Gòn vì chiến tranh lan đến làng quê nhỏ.

Khi mới lên Sài Gòn, do không có tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày ông lân la khắp nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ăn bờ ngủ bụi. Sau đó, ông vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp nhưng lại nhanh chóng bỏ việc vì nhàm chán. Ông chọn nghề môi giới làm công việc mưu sinh. Ông tập trung vào mặt hàng vải vóc, vật liệu xây dựng và giàu lên nhanh chóng.

Năm 1949, ông Đời tham gia vào ngành kinh doanh tiền tệ song nhanh chóng phá sản. Không nản lòng, ông quyết định "khởi nghiệp" bằng nghề làm gạch ngói. Với sự siêng năng và uy tín trong làm ăn, chỉ 2 năm sau, hãng gạch ngói Đời Tân trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cung cấp cho thị trường từ Sài Gòn, miền Đông cho đến cả miền Tây Nam Bộ.

Cuộc đời
Hãng gạch ngói Đời Tân.

Những năm 1950, Nguyễn Tấn Đời mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Ông đăng ký nhập cảng lưới đánh cá từ Nhật về Hồng Kông, sau đó từ Hồng Kông xin giấy nhập về Sài Gòn, rồi xuất cảng gạo từ Sài Gòn sang Hồng Công, Singapore…

Bên cạnh đó, ông còn sang Pháp lập Hãng Construction Me1talliques để xuất khẩu sườn sắt cho quân đội Pháp xây đồn bót… Năm 1953, ông mở thêm công ty quảng cáo, thành lập công ty Film.

Năm 1955-1956, ông sang Campuchia mở công ty nhập khẩu xe đạp và máy móc, nông ngư cụ đem về tiêu thụ tại miền Nam, nhập máy cày từ Âu – Mỹ về bán cho nông dân. Rồi ông còn xoay qua hoạt động trong lĩnh vực hải sản.

Vào những năm 1968-1969, tại miền Nam, phế liệu do quân đội Mỹ thải ra từ các căn cứ quân sự rất nhiều, chất cao như núi. Ông đã mua lại toàn bộ với cái giá rất rẻ, rồi cho nấu lại lấy đồng làm dây điện với nhãn hiệu Vidico.

"Vua không ngai" của giới tài phiệt Sài thành

Đầu thập niên 1950, ông mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác và đều thành công, cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực với các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây cao ốc cho thuê, nổi danh với nhiều cao ốc đồ sộ lúc đương thời và đem lại cho ông những món lợi kếch xù.

Năm 1954, cao ốc đầu tiên do ông xây dựng được đưa vào sử dụng. Đó là cao ốc Mai Loan 125 phòng tại số 16 Trương Định. Toàn bộ số phòng trên đều được thuê, đa số là những người sống độc thân như nhà văn, nhà báo, ca sĩ, vũ nữ…

Năm 1955, ông Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở số 177-179 đường Lê Thánh Tôn. Các căn hộ trong cao ốc này rộng rãi và tiện nghi hơn cao ốc Mai Loan, khi khánh thành cũng được thuê hết.

Sau đó, ông xây thêm cao ốc thứ ba là cao ốc Victoria ở số 937 đường Trần Hưng Đạo. Cao ốc này được xem là cao nhất và nhiều phòng nhất thời bấy giờ, gồm 240 phòng. Năm 1962, ông đầu tư xây cao ốc President ở số 727 đường Trần Hưng Đạo với 1.200 phòng và ngay tức khắc nó đã được người Mỹ thuê dài hạn 10 năm…

Đến năm 1963, ông Nguyễn Tấn Đời cho xây thêm cao ốc Đức Tân ở số 491 đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và cao ốc Prince ở số 175-177 đường Phạm Ngũ Lão.

Cuộc đời
Vào những năm 1960, ông Nguyễn Tấn Đời được xem như "vua cao ốc" của Sài Gòn.

Một thời gian sau, ông chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa. Ông đã có những cải tổ gây chấn động ngành ngân hàng. Đến năm 1972, Ngân hàng Tín Nghĩa có đến 32 chi nhánh, 1.000 nhân viên với số tiền gửi lên đến con số 2 tỷ, trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất miền Nam.

Hồi ký về bí quyết "đánh đâu thắng đó"

Trong lúc đang ăn nên làm ra, ngày 21/4/1973, ông Nguyễn Tấn Đời bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giam. Các chi nhánh Ngân hàng Tín Nghĩa bị phong tỏa, vợ chồng Nguyễn Tấn Đời và người nhà bị bắt. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho phát tin trên truyền hình báo chí giải thích rằng do Nguyển Tấn Đời giữ mật quỹ các tướng để đảo chính.

Đến 1975, ông Đời được trả tự do nhưng mọi quyền hành mất hết. Từ một đại gia nức tiếng, ông trở nên trắng tay.

Lúc này, ông lang thang vạ vật tìm đường sang Canada. Tại đây, ông được một người bạn làm ăn cũ người Nhật giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần ông phát triển thành một hệ thống với hàng loạt chi nhánh tại Mỹ như Washington. DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada... Lúc này, tên tuổi của ông lại nổi tiếng như thuở xưa.

Cuộc đời
Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Đời (đứng giữa) tại buổi khánh thành nhà hàng Kobe ở Canada.

Khi đã thành danh nơi đất khách, ông Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… Tuy nhiên, mọi kế hoạch đang tính toán dở dang thì ông lâm bệnh và qua đời vào ngày 6/7/1995 tại Orlando, Florida (Mỹ).

Từ năm 1996, Chau Nguyen, con trai ông Đời kế nhiệm quản lý Kobe Steakhouse. Chuỗi nhà hàng Kobe Steakhouse tiếp tục phát triển không ngừng và trở thành một trong những chuỗi nhà hàng Nhật được đánh giá cao nhất ở Florida, Mỹ.

Năm 2019, Kobe Steakhouse đã kỷ niệm 35 năm thành lập, với 11 cửa hàng và hơn 600 nhân viên, cho thấy một sự tiếp nối mạnh mẽ di sản để lại của người sáng lập – doanh nhân Nguyễn Tấn Đời.

Cuộc đời
Con trai và cháu ông Đời tiếp quản chuỗi nhà hàng Kobe Steakhouse. Ảnh: Tastychomps.com.

Trước khi qua đời, Nguyễn Tấn Đời kịp để lại cho hậu thế quyển hồi ký về cuộc đời của mình. Trong đó, ông ghi lại các bí quyết để thành công: "Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho...

Muốn thành công trong mọi việc phải hội đủ ba điều kiện người xưa thường nói: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hoà. Đó là những điều mà trong khi hành nghề tôi không bao giờ sao lãng".

Tỷ phú nổi tiếng Hong Kong sinh ra từ khu Chợ Lớn, rời Việt Nam trở thành minh tinh màn bạc, cưới 3 đời vợ

Bài thuộc chủ đề Kiệt xuất Việt Nam
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-doi-trum-cao-oc-vua-ngan-hang-mot-thoi-cua-sai-gon-khong-bang-cap-khong-kinh-nghiem-nhung-khien-gioi-tai-phiet-nhieu-phen-nga-mu-198173.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc đời "trùm cao ốc", "vua ngân hàng" một thời của Sài Gòn: Không bằng cấp, không kinh nghiệm nhưng khiến giới tài phiệt nhiều phen ngả mũ
    POWERED BY ONECMS & INTECH