Đại biểu Quốc hội: Ngoài việc miễn học phí cho học sinh, cần hạn chế các khoản thu khác ‘vì các loại phí cũng không phải ít’
Nội dung được ĐBQH đưa ra trong phiên thảo luận tổ, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 22/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã cho ý kiến về hai dự thảo nghị quyết quan trọng liên quan đến giáo dục gồm miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với đó là nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Hạn chế các khoản thu khác trong trường học
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhận định đây là một chủ trương mang tính bước ngoặt, thể hiện sâu sắc tính nhân văn và bản chất ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam. Theo ông, chính sách lần này có phạm vi bao phủ rộng, đảm bảo tiếp cận giáo dục công bằng cho mọi đối tượng, không phân biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa trường công lập và tư thục. Quan trọng hơn, nó tạo nền tảng để từng bước hướng tới mục tiêu phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai.
Từ góc nhìn dài hạn, ông Sơn nhấn mạnh rằng việc miễn học phí không chỉ đơn thuần là hỗ trợ tài chính mà còn mang tính chiến lược trong phát triển con người. Chính sách này giúp học sinh, có cơ hội tiếp cận tri thức một cách bình đẳng hơn, giảm thiểu nguy cơ bỏ học do điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc miễn học phí cần song hành với việc đảm bảo chất lượng dạy và học, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến nội dung chương trình. Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát lại việc phân bổ ngân sách giữa các địa phương để tránh tình trạng phân bổ dàn trải, gây áp lực không cần thiết lên các cấp quản lý cơ sở.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) bày tỏ lo ngại về khả năng quá tải tại hệ thống trường công lập nếu chính sách miễn học phí được thực hiện rộng rãi. Việc này có thể khiến một bộ phận học sinh chuyển từ trường tư sang trường công, tạo áp lực lên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Bà Lan đề xuất cần có kế hoạch đầu tư bài bản về nguồn lực và hạ tầng, đồng thời lưu ý đến các loại hình trường công lập chất lượng cao, trường năng khiếu và trường thực nghiệm – những mô hình hiện chưa có quy định cụ thể trong dự thảo nghị quyết. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những điểm này để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nêu quan điểm nên hạn chế tối đa các khoản thu khác ngoài học phí. Ông nhấn mạnh: "Làm thế nào để các trường công lập hạn chế tối đa mức đóng các loại phí khác. Ta có trường chuyên lớp chọn rồi, còn trường phổ thông thì việc dạy thêm học thêm chủ yếu áp dụng cho các học sinh yếu, nên sử dụng ngân sách Nhà nước, như thế mới ưu việt, toàn diện. Các trường ở Hà Nội các loại phí cũng không phải ít, Nhà nước đã cơ bản lo được những vấn đề lớn như miễn học phí, đừng vì những vấn đề khác mà ảnh hưởng đến chính sách ưu việt của mình".

Nghiên cứu tổ chức buổi học thứ 2 và không thu học phí
Trước những ý kiến từ các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc miễn và hỗ trợ học phí nằm trong định hướng chiến lược về phát triển giáo dục và đã được tính toán kỹ lưỡng trong quá trình trình Chính phủ. Theo đó, những địa phương chưa cân đối được ngân sách sẽ được Trung ương cấp bù.
Con số hơn 30.000 tỷ đồng Chính phủ đề xuất đã bao gồm phần hỗ trợ cho các tỉnh thành chưa đủ điều kiện tự chủ. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 81 và 97, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới, làm cơ sở pháp lý để triển khai chính sách miễn học phí trong thực tế.

Liên quan đến vấn đề hạn chế các khoản thu ngoài học phí, Bộ trưởng cho biết hiện nay việc dạy thêm trong nhà trường chỉ áp dụng cho ba nhóm đối tượng gồm học sinh yếu, học sinh giỏi và học sinh ôn thi tốt nghiệp. Thông tư 29 đã quy định rõ không thu học phí cho các trường hợp này, trách nhiệm tổ chức thuộc về nhà trường và việc hỗ trợ cho giáo viên sẽ do địa phương quyết định tùy theo khả năng ngân sách.
Ngoài ra, ông Sơn cho biết ngành giáo dục đang nghiên cứu tổ chức buổi học thứ hai trong ngày cho học sinh phổ thông theo tinh thần chỉ đạo từ Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư. Đặc biệt, chủ trương là không thu học phí cho buổi học bổ sung này. Nếu được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch sẽ bắt đầu ngay từ năm học mới, góp phần thực hiện mục tiêu hướng đến nền giáo dục công lập hoàn toàn miễn phí.
Tổng hợp
Ảnh: Internet
>> Đại biểu Quốc hội: Ngoài yếu tố pháp luật, người nổi tiếng càng phải giữ liêm sỉ nhiều hơn