Shein và Temu đang đối mặt với loạt cáo buộc nghiêm trọng về vấn đề lao động cưỡng bức cũng như hành vi trốn thuế quan tại Mỹ.
Trong một báo cáo được Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện Mỹ công bố ngày 22/6, nền tảng thời trang nhanh Shein và ứng dụng mua sắm Temu đã khai thác các kẽ hở thương mại để nhập hàng hóa vào Mỹ mà không phải trả thuế nhập khẩu hoặc trốn tránh việc đánh giá nhân quyền các lô hàng nhập khẩu.
Báo cáo nêu rõ, nhờ giá rẻ, các chương trình khuyến mãi, cùng với đó là sự đa dạng về số lượng mặt hàng, Shein và Temu đã tạo ra những làn sóng mới trong thị trường bán lẻ Mỹ.
Kể từ tháng 3 năm 2023, cả hai ứng dụng này được xếp hạng trong năm ứng dụng miễn phí hàng đầu trên Apple Store, vượt lên trước các gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ là Amazon và Walmart.
Shein gần đây được định giá 64 tỷ USD trong khi Temu là hơn 100 tỷ USD.
Hành vi vi phạm thuế
Theo báo cáo, năm 2022, các thương hiệu này nhập khẩu khoảng 600.000 lô hàng vào Mỹ mỗi ngày và con số này hiện có thể đã cao hơn.
Theo Đạo luật thuế quan năm 1930, Mỹ miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị bán lẻ hợp lý của lô hàng không vượt quá 800 USD.
Thế nhưng, Shein và Temu rất có thể đã khai thác các miễn trừ nhập khẩu thương mại tối thiểu do lượng hàng khổng lồ mà các công ty này nhập khẩu mỗi ngày, thực hiện các chuyến hàng có giá trị dưới 800 USD và do đó không phải chịu thuế nhập khẩu.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ Mỹ phải trả hàng triệu USD tiền thuế nhập khẩu mỗi năm. Năm 2022, thương hiệu quần áo Gap đã phải trả 700 triệu USD, trong khi con số này của H&M và nhà bán lẻ đồ cưới David’s Bridal lần lượt là 205 triệu USD và 17 triệu USD.
Do vậy, các nhà lập pháp cho rằng hành vi vi phạm thuế quan mang lại cho Temu và Shein những lợi thế không công bằng so với các nhà bán lẻ Mỹ.
Vấn đề lao động cưỡng bức
Báo cáo mới nhất này là phần tiếp theo của một cuộc điều tra lớn bắt đầu từ tháng 5 liên quan tới các vấn đề lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ. Theo đó, Nike, Adidas, Shein và Temu, là những công ty đầu tiên bị điều tra về vấn đề này.
Trong đó, Shein đối mặt với cáo buộc lao động cưỡng bức trong các nhà máy cung cấp của họ ở khu vực Tân Cương, còn Temu bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ.
“Những kết quả này thật đáng kinh ngạc: Temu gần như không có bất cứ động thái nào nhằm giữ chuỗi cung ứng của mình không có lao động nô lệ. Đồng thời, Temu và Shein đang xây dựng đế chế xung quanh lỗ hổng tối thiểu trong các quy tắc nhập khẩu của Mỹ, trốn thuế nhập khẩu và trốn tránh sự giám sát đối với hàng triệu hàng hóa mà họ bán cho người Mỹ”, theo ông Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban tuyển chọn Hạ viện.
Temu đã yêu cầu hơn 80.000 nhà cung cấp Trung Quốc của mình chấp nhận việc vận chuyển hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức sang Mỹ và thực hiện một số biện pháp để giải quyết các vi phạm thuế quan, báo cáo nêu rõ.
Cuộc điều tra vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi cả Temu và Shein đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về báo cáo mới nhất.
Trước đây, Temu từng khẳng định công ty không đứng tên trên các lô hàng được nhập khẩu tới Mỹ, trong khi Shein đã bác bỏ các cáo buộc về lao động cưỡng bức.
Trụ sở Adidas bị khám xét trong cuộc điều tra trốn thuế hơn 1 tỷ euro
Cán bộ thuế nhận tiền tỷ để đường dây mua bán hóa đơn khống ‘tác oai tác quái’