Doanh nghiệp

'Đại gia' nhiều tiền bậc nhất Sài Gòn đã 'hưởng lợi' thế nào từ Heineken trong cả thập kỷ qua?

Hoàng Ngân 02/07/2024 16:37

Sự hợp tác khởi đầu từ 35 năm trước đã mang lại khoản lợi nhuận ''khổng lồ'' cho cho ''đại gia'' này.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã công bố báo cáo kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 9.791 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm gần 25% còn 1.069 tỷ đồng, Satra vẫn thu về 2.430 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết đạt 2.733 tỷ đồng.

Satra hiện sở hữu 40% vốn của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Lợi nhuận của Satra chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ hai liên doanh này. Từ năm 2013 đến nay, ước tính Heineken đã giúp Satra kiếm được khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Tại thời điểm 31/12/2023, công ty mẹ Satra có khoảng 13.700 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong nhiều năm qua, số dư tiền gửi luôn duy trì trên dưới 10.000 tỷ đồng, mang về cho Satra khoảng 500-700 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm. Phần lớn số tiền này đến từ các khoản cổ tức do Heineken trả.

'Đại gia' nhiều tiền bậc nhất Sài Gòn đã 'hưởng lợi' thế nào từ Heineken trong cả thập kỷ qua?
Nhà máy bia Heineken Việt Nam. Ảnh: VnExpress

>> Đứng đầu trong 'tứ hoàng' bia Việt, Heineken chống đỡ ra sao trước sự suy giảm của toàn ngành đồ uống có cồn?

Có thể nói, cùng với Benthanh Group, Satra được cũng được biết đến như một ''đại gia'' Sài Gòn khi là một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhất trực thuộc UBND TP. HCM. Không sở hữu quỹ bất động sản hấp dẫn như Bến Thành, nhưng hệ sinh thái Satra trải rộng ở nhiều mảng, có thể kể đến như Khu Trung tâm Thương Mại Bình Điền hay còn được gọi là Chợ đầu mối Bình Điền - được biết tới là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam cung cấp các nông - thủy sản cho tiểu thương buôn bán.

Ở lĩnh vực sản xuất, Satra tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu các loại thực phẩm. Hiện Satra đang sở hữu 67,76% vốn tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cổ đông lớn còn lại là CTCP Masan Meatlife với 24,94% VĐL. Được biết công ty con của Masan đã từng bỏ ra 2.130 tỷ đồng (tương đương 126.000 đồng/cp) để vượt qua ''ông lớn'' Hàn Quốc CJ trở thành cổ đông lớn của Vissan, từ đó có thể thấy được triển vọng đầy hấp dẫn của doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, Satra còn sở hữu các trung tâm thương mại Centre Mall, Siêu thị Tax, Siêu thị Sài Gòn (Satra Mart), chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods; chuỗi cửa hàng xăng dầu, Satra Bakery & Café, Nhà Hàng Việt,…

Một số công ty liên kết khác của Satra gồm CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre (Tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre), Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), CTCP Kinh doanh Thủy Hải Sản Sài Gòn (APT),… đây đều là những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt nam.

Tuy nhiên, khoản góp vốn giá trị nhất của ''đại gia'' này vẫn là cổ phần trong liên doanh Heineken Việt Nam có thể ví như một ''mỏ vàng'' sinh lời bền vững. Theo thông tin từ Heineken Việt Nam, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, đại diện Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (nguyên là công ty thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Satra) đã nhanh chóng sang châu Âu để tìm một đối tác liên doanh xây dựng nhà máy bia tại TP. HCM. Sau 3 năm đàm phán, ngày 9/12/1991, liên doanh giữa Satra và Heineken mang tên Nhà máy bia Việt Nam (tiền thân của Heineken Việt Nam) đã chính thức được cấp giấy phép đầu tư.

'Đại gia' nhiều tiền bậc nhất Sài Gòn đã 'hưởng lợi' thế nào từ Heineken trong cả thập kỷ qua?
Ảnh: VnExpress

Sau 35 năm phát triển, vượt qua Sabeco - "con gà đẻ trứng vàng" trong tay người Thái, hay Habeco “thành danh” với Bia hơi Hà Nội và thương hiệu bia Hoàng Gia của Đan Mạch - Carlsberg, Heineken đã vươn lên đứng đầu trong ''tứ hoàng'' ngành bia Việt.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Heineken Việt Nam đã giảm sâu trong năm 2023, kéo theo lợi nhuận từ liên doanh liên kết của Satra năm 2023 giảm xuống còn 2.700 tỷ đồng - mức thấp nhất trong nhiều năm.

Một diễn biến gần đây liên quan đến Heineken Việt Nam là việc thông báo tạm ngừng hoạt động nhà máy ở Quảng Nam. Nguyên nhân được đưa ra là công ty cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh suy giảm của thị trường. Ngay sau đó, có thông tin Heineken dự định nâng công suất nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á tại Vũng Tàu thêm 500 triệu lít, gấp đôi nhà máy tạm đóng cửa ở Quảng Nam.

>> Heineken Việt Nam trước quyết định đóng cửa nhà máy: Dẫn đầu toàn ngành cũng không 'hãm' nổi lợi nhuận 'lao dốc'

Vừa đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam, Heineken 'rục rịch' tăng công suất thêm 500 triệu lít tại Vũng Tàu

Heineken, Sabeco, Habeco đóng góp bao nhiêu cho ngân sách các địa phương?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-gia-nhieu-tien-bac-nhat-sai-gon-da-huong-loi-the-nao-tu-heineken-trong-ca-thap-ky-qua-240792.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Đại gia' nhiều tiền bậc nhất Sài Gòn đã 'hưởng lợi' thế nào từ Heineken trong cả thập kỷ qua?
POWERED BY ONECMS & INTECH