Daihatsu có thể thiệt hại tới 700 triệu USD do bê bối gian lận kiểm tra an toàn
Nhà sản xuất Daihatsu Nhật Bản đứng trước nguy cơ bị thiệt hại tới 700 triệu USD do bê bối gian lận kiểm tra an toàn khi phải đóng cửa các nhà máy và đền bù cho hàng trăm đại lý và các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng.
Tờ The Nikkei Nhật Bản vừa cho biết, nhà sản xuất ô tô Daihatsu, công ty con của Tập đoàn Toyota, có thể chịu mức thiệt hại cực lớn lên tới 100 tỷ yên (tương đương khoảng 700 triệu USD) xoay quanh vụ bê bối nghiêm trọng nhất lịch sử của công ty về gian lận kiểm tra an toàn và chất lượng xe.
Con số này được đưa ra bởi chuyên gia Seiji Sugiura tới từ Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo. Ông Seiji ước tính mức độ thiệt hại trên tùy thuộc vào quy mô bồi thường mà Daihatsu phải gánh. Mức 700 triệu USD này tương đương với tổng lợi nhuận ròng của Daihatsu trong toàn bộ năm tài khóa 2022.
Trước đó, như truyền thông quốc tế đưa tin, kể từ ngày 20/12/2023, công ty Daihatsu thông báo dừng hoạt động toàn bộ các dây chuyền sản xuất ô tô của thương hiệu này tại Nhật Bản vô thời hạn dù cho các lô hàng mới đã lại được giao ở Indonesia và Malaysia. Đồng thời, Toyota cũng thông báo dừng phân phối toàn bộ xe do Daihatsu sản xuất tại Nhật Bản và các nước. Nguyên nhân là do hãng đã phát hiện có những sai sót nghiêm trọng trong quá trình thử nghiệm an toàn và chất lượng xe đối với 64 mẫu xe và 3 động cơ, trong đó, 22 mẫu mang thương hiệu Toyota.
Khoảng 60% trong tổng số 1,42 triệu ô tô mà Daihatsu đã bán ra trong năm 2023 là dành cho thị trường nội địa Nhật Bản. Điều đó cho thấy việc ngừng toàn bộ các nhà máy sản xuất trong nước với một thời gian không xác định sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho công ty.
Bên cạnh tổn thất về doanh số bán hàng, Daihatsu còn phải đàm phán với các nhà cung cấp về việc bồi thường phần doanh thu bị mất của các đơn vị này khi hãng ngừng sản xuất cũng như hỗ trợ chi phí cho các đại lý bán xe Daihatsu bị khách hàng quay lưng sau bê bối. Tại Nhật Bản, Daihatsu có hơn 423 nhà cung cấp cấp 1 và 30.000 đại lý bán xe trên cả nước.
Daihatsu cũng sản xuất ô tô cho thị trường Nhật Bản và xuất khẩu cho các thương hiệu Toyota, Subaru và Mazda với tư cách là nhà sản xuất gốc. Công ty đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược của Toyota nhằm phát triển xe điện mini ở Nhật và xe cỡ nhỏ ở các thị trường mới nổi, đang phát triển.
Dù cho khoản thiệt hại 700 triệu USD có thể chưa khiến Daihatsu phải gặp khó khăn tài chính ngay lập tức nhưng các rắc rối liên quan đến pháp lý chỉ mới bắt đầu. Hiện, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã chỉ đạo Daihatsu dừng sản xuất cho đến khi các cuộc điều tra của cơ quan này có thể xác minh được độ an toàn thực tế trên các phương tiện do Daihatsu sản xuất. Trước đó, với trường hợp tương tự xảy ra với hãng Mitsubishi, quá trình này đã mất tới 75 ngày dù cho quy mô của sự việc đó nhỏ hơn nhiều so với trường hợp của Daihatsu.
>> Bê bối khiến Daihatsu dừng giao xe toàn cầu, Toyota Việt Nam hành động ra sao?