Khi đến đây, Phật tử hay du khách thường mang theo một vài viên gạch đỏ để góp công đức xây dựng chùa.
Ở phường Đại Yên, TP. Hạ Long, Quảng Ninh có hai ngôi chùa cùng tên Lôi Âm, một nằm ở phía gần biển tính theo tâm đường 18 gọi là Lôi Âm Hạ, còn ngôi chùa trên núi là Lôi Âm Thượng. Trải qua thăng trầm thời gian, chùa Lôi Âm Hạ chỉ còn phế tích, năm 2012 chùa Lôi Âm Hạ bắt đầu được phục dựng lại.
Ngôi chùa còn lại, chùa Lôi Âm Thượng tọa lạc ở địa thế vô cùng hiếm có: “Nay thắng địa ở Hải Đông duy có làng Yên Lập này. Tả thanh long có hàng ngàn quả núi trùng trùng triều phục. Hữu bạch hổ vạn con sông cuồn cuộn chảy về. Chu Tước có Đồ Sơn làm án. Huyền vũ có Sơn Nhạc làm hậu chẩm. Chốn địa linh này quả là một làng có lễ nghĩa. Trong làng có đại danh lam gọi là chùa Lôi Âm”.
Tọa lạc trên núi Linh Thứu, chùa Lôi Âm Thượng được xây dựng với thế lưng tựa núi và nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Sách "Đại Nam Nhất thống chí" cũng mô tả chi tiết cảnh chùa xưa: “Ở trên núi Lôi Âm, chùa làm theo lối cổ kính mộc mạc. Phía hữu chùa có suối nước rất trong. Trên đỉnh núi có chợ trời, có bàn cờ tiên, phong cảnh rất đẹp”.
Tương truyền, chùa khởi dựng từ thời niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469), đời vua Lê Thánh Tông. Có thể chùa Lôi Âm được xây dựng và khánh thành vào thời kỳ vua Lê Thánh Tông đi tuần thủ An Bang, khắc bài thơ trên núi Bài Thơ ở Quảng Ninh năm 1468. Tích xưa kể rằng nơi rừng núi này từng là nơi ẩn náu của ma quỷ, có một chàng trai mồ côi đã nhận được những lời chỉ dạy của Đức Phật mà xua đuổi tà ma, mang tới cuộc sống yên bình cho người dân.
Để tưởng nhớ công ơn của Đức Phật, dân làng xây dựng chùa Lôi Âm, tức là “âm thanh của Phật”. Sau này, chùa được trùng tu nhiều lần trong lịch sử, trong đó có những lần trùng tu lớn năm 1660, năm Vĩnh Thịnh 16 (1720).
Để đến chùa, du khách sẽ di chuyển từ bến đò qua hồ Yên Lập bằng thuyền. Đi thuyền trên mặt hồ Yên Lập, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, với những ngọn núi được bao quanh bởi mặt hồ lấp lánh mỗi buổi sáng sớm hay lúc hoàng hôn. Sau đó, du khách sẽ đi trên đường Chúa Ngự dài 850m đưa đến tận cửa chùa linh thiêng.
Trong khuôn viên linh thiêng của chùa, trung tâm là tòa chính điện uy nghi, nơi thờ phụng Tam Bảo có những kết cấu vì kèo và cột gỗ đồ sộ, thể hiện sự tinh tế trong thiết kế truyền thống được bao quanh bởi khu vườn Tháp và am Thiền định.
Gần gũi với tòa chính điện, cung Mẫu nổi bật với kiến trúc giản dị nhưng vẫn đầy trang nghiêm, hòa mình vào không gian linh thiêng của núi rừng. Cách đó không xa, am Thiền định, còn được biết đến với cái tên chùa Hang hoặc lầu Cậu, một phiến đá tự nhiên từng là chốn thiền tịnh của các nhà sư, nay trở thành điểm ngắm cảnh lý tưởng.
Hàng năm, vì là một đại danh lam nên nơi đây thu hút khách thập phương vãn cảnh, viếng thăm. Điểm đặc biệt khi đến chùa Lôi Âm là Phật tử hay du khách thường mang theo một vài viên gạch đỏ để công đức xây dựng chùa.
Cùng với chùa Hang, chùa Lân, chùa Vạn Triều, chùa Lôi Âm hợp thành một quần thể kiến trúc hài hòa, vừa thơ mộng, vừa trang nghiêm, vừa u tịch, vừa dạt dào sức sống của thiên nhiên hùng vĩ quanh đó.
Việc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1997 đã khẳng định giá trị to lớn của chùa Lôi Âm về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh, cũng như là niềm tự hào của người dân địa phương.