Đánh thuế BĐS thứ 2 là bài toán khó: Cần thiết nhưng làm luôn sẽ ảnh hưởng đến thị trường và nền kinh tế
Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, xoay quanh vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.
Nếu đánh thuế luôn, giá BĐS sẽ "giảm rất mạnh"
Tại buổi tọa đàm "Bất động sản năm 2025: Tìm cơ hội trong thách thức", ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, việc đánh thuế bất động sản (BĐS) thứ 2 là cần thiết nhưng nếu đánh thuế ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đất thị trường.
Theo ông Hùng, cần phải nhìn tổng thể mặt bằng chung bởi hiện nay chưa đánh giá được đúng thực trạng với lượng BĐS bán cho người dân.
"Nếu đánh thuế luôn, chắc giá BĐS sẽ giảm rất mạnh, các chủ đầu tư BĐS sẽ bị ảnh hưởng, kể cả hoạt động kinh doanh", ông Hùng nhận định.
Là bài toán khó, cần có lộ trình rõ ràng
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng việc đánh thuế BĐS thứ 2 là bài toán khó, do đó cần có lộ trình rõ ràng.
Trong tương lai, các cơ quan quản lý cần để nhà đầu tư hiểu được rằng không phải cứ đầu tư vào BĐS là có lãi và không phải cứ thay đổi cơ chế là kỳ vọng giá sẽ lên để "ôm nhà, ôm chung cư".
Theo ông Hùng, các nhà đầu tư cần bỏ suy nghĩ lúc hoàn thành hành lang pháp lý sẽ có mức giá mới và khi lập mặt bằng giá mới thì sẽ không bao giờ xuống.
"Thực tế thị trường không phải như thế. Điều cốt lõi là thu nhập của người dân có đảm bảo để mua không? Tại sao cứ nói người dân có điều kiện bình thường không thể mua, đó là điều vô lý.
Khi người dân có thu nhập một cách minh bạch, đóng thuế đầy đủ thì đương nhiên sẽ được hưởng một phần nào đó đáp ứng của xã hội. Không thể đưa ra lý do nọ, lý do kia nói người dân không thể tiếp cận được", ông Hùng phân tích.
Với việc triển khai thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra, ông Hùng tin rằng khi cả nhà ở xã hội đều bán và cho thuê đều có thì những căn hộ chung cư sẽ không có cơ hội cho thuê với giá cao và không "bắt chẹt" được người mua nữa.
Theo đánh giá của ông Hùng, thời gian tới thị trường BĐS sẽ về đúng với bản chất và việc đánh thuế BĐS thứ 2 sẽ khả quan.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, việc đánh thuế BĐS thứ 2 chưa thể triển khai ngay do cần nghiên cứu và đánh giá.
Chung quan điểm, về phía doanh nghiệp, một chủ doanh nghiệp BĐS cho rằng việc đánh thuế BĐS thứ 2 ở thời điểm này là chưa phù hợp, thậm chí có thể làm nguội lạnh thị trường BĐS.
Theo đề xuất của chủ doanh nghiệp này, việc đánh thuế BĐS thứ 2 cần có lộ trình 6-10 năm nữa nhằm tích trữ nguồn lực xã hội, từ đó mới có thể điều tiết để thực hiện các chính sách về đất đai mang tính chất ổn định và lâu dài.
Cũng theo đề xuất, nên đánh giá mức thuế từ thấp đến cao để tránh áp dụng một cách đột ngột và quá mạnh mẽ, có thể làm "đứt gãy" thị trường, gây ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Theo chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính, dù với sắc thuế nào thì mục đích lớn nhất cần định hướng chính là tạo ra của cải và giá trị gia tăng cho xã hội.
Do đó, việc đánh thuế BĐS thứ 2, theo ông Đính nên được xem xét kỹ lượng dựa trên nguyên tắc này bởi thuế là công cụ để điều tiết hành vi, không làm xấu thị trường, không phải người dân cứ đi mua BĐS thứ 2 là sẽ bị siết bởi những công cụ này.
Điều này cũng sẽ khiến thị trường mới chớm phục hồi bị chững lại, thậm chí rơi vào trạng thái khó khăn, gây ảnh hưởng đến nhiều nghề khác cũng như cả nền kinh tế.
Trong suốt thời gian vừa qua, để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, mua bán "lướt sóng", Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế BĐS thứ 2.
Đề xuất này sau đó đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận cho rằng việc đánh thuế BĐS đối với các trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng thời điểm, cách thức để tránh bán tháo ồ ạt.
Khi trả lời cử tri về đánh thuế BĐS thứ 2, Bộ Tài chính cho biết hiện đang tiếp tục nghiên cứu, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách có liên quan đến thuế BĐS nhằm báo cáo các cấp có thẩm quyền.