Bất động sản

Đào móng xây nhà 7 tầng làm sập nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường thiệt hại như thế nào?

An Nhiên 01/04/2025 15:30

Nếu có căn cứ cho rằng việc thi công móng nhà là nguyên nhân dẫn đến việc đổ sập của nhà hàng xóm thì chủ nhà thi công sẽ phải bồi thường theo quy định.

Đào móng xây nhà 7 tầng làm sập nhà hàng xóm?

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, theo Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng, lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra vụ việc nghi do đào móng xây nhà 7 tầng tại số 27 Lê Thánh Tông (phường Thành Công) khiến nhà hàng xóm bị sập.

Theo như giấy phép xây dựng do UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp ngày 27/2, công trình nhà ở tại số 27 Lê Thánh Tông đã được phê duyệt xây dựng nhà ở kiên cố với 7 tầng, gồm: 1 trệt, 6 tầng, 1 tum thang, 1 hầm với tổng diện tích sàn 2.390m2.

Trong quá trình thi công đào móng, công trình đã khiến ngôi nhà số 29 Lê Thánh Tông liền kề bị nghiêng đổ hoàn toàn sang bên trái.

Đào móng xây nhà 7 tầng làm sập nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường thế nào?- Ảnh 1.
Ngôi nhà dân bên cạnh ngôi nhà đang thi công bị đổ sập hoàn toàn. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Khoảng 18h30 phút ngày 31/3, một người dân đã phát hiện ngôi nhà 3 tầng ở số 29 Lê Thánh Tông bị đổ nghiêng nên hô hoán. Những người trong căn nhà nghiêng đó đã nhanh chóng kịp thoát ra ngoài.

Theo lời kể nhân chứng tại hiện trường, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ sập nhà có thể do đơn vị nhà thầu xây dựng nhà 7 tầng tại số 27 Lê Thánh Tông đào móng quá sâu và rộng.

Phía chủ ngôi nhà 7 tầng cho biết việc xây dựng là do đơn vị thi công thực hiện và nếu có sai phạm thì đó là do đơn vị thi công.

Vụ việc này hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý theo quy định.

>> Hôm nay, Việt Nam chính thức thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất

Đào móng làm sập nhà hàng xóm có phải đền bù hay không?

Việc đào móng làm sập nhà hàng xóm không phải là trường hợp hy hữu. Các cá nhân, tổ chức tôn trọng quy tắc xây dựng được xem là một trong những nghĩa vụ đối với chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.

Quy định nêu rõ việc xây dựng nhà, thi công công trình làm ảnh hưởng đến nhà liền kề là gây ra những hiện tượng như nứt vách, nứt tường, thấm dột; Làm hở dầm móng; Máy móc thiết bị làm ồn nghiêm trọng; Xây dựng nhà làm ảnh hưởng đến nhà liền kề khi ép cọc cho móng: Nếu công trình nhà bên cạnh xây dựng đã lâu năm, nền đất đã yếu sẵn, khi ta tiến hành ép cọc sâu xuống nền đất sẽ làm dâng khối đất lên lấn chiếm gây ra lực chèn ép lên các móng nhà liền kề. Có thể làm nhà bên cạnh bị sụt lún, nghiêng, nứt tường, đội nền, sập hoàn toàn….

Đào móng xây nhà 7 tầng làm sập nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường thế nào?- Ảnh 2.
Nếu có căn cứ cho rằng việc thi công móng nhà là nguyên nhân dẫn đến việc đổ sập của nhà hàng xóm thì chủ nhà thi công sẽ phải bồi thường theo quy định. Ảnh minh họa

Nguy hiểm hơn đối với những ngôi nhà sử dụng móng nông, kết cấu chịu lực yếu. Ngoài ra nó còn có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt và gây nguy hiểm do hệ thống đường ống cấp thoát nước bị vỡ, làm rò đường dây điện đi âm tường.

Do đó, nếu như có đủ căn cứ cho rằng việc thi công móng nhà là nguyên nhân dẫn đến việc làm đổ nhà hàng xóm thì chủ nhà đang thi công cần có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định. Việc bồi thường này sẽ căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra.

Ngoài ra, cần xác định nguyên nhân khiến nhà đổ sập là do bên thi công nhà mới hay ngôi nhà đã cũ và tự sụp đổ, cần xác định thêm có lỗi của thi công hay không.

Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng, khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp có lỗi thì việc bồi thường sẽ do chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa thực hiện. Nếu trong quá trình thi công mà có lỗi của đơn vị thi công thì phải liên đới chịu trách nhiệm.

Đào móng xây nhà 7 tầng làm sập nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường thế nào?- Ảnh 3.
Thi công công trình cần đảm bảo về an toàn xây dựng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì việc bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Các thiệt hại có thể bao gồm các khoản như thiệt hại về tài sản hoặc người (nếu có).

Thiệt hại về tài sản sẽ bao gồm một số khoản như tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…

Đối với trường hợp có gây ra thiệt hại về người thì phải chịu các chi phí bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm.

Ngoài ra, việc xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hay có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau: Hành vi xây dựng gây lún, nứt, công trình lân cận có thể bị phạt hành chính đến 30 triệu đồng căn cứ theo các Khoản 1, 2, 3 điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Đồng thời bên vi phạm phải có biện pháp khắc phục hậu quả về môi trường, tình trạng ban đầu và tháo dỡ các hạng mục vi phạm theo đúng quy định.

>> Chỉ vài ngày nữa, Trung ương sẽ xem xét đề án sáp nhập tỉnh

Giải phóng mặt bằng sân bay tại tỉnh giao điểm 2 miền Bắc - Nam: Còn 25ha, chạy đua với thời gian kịp tiến độ 2026

Chỉ một năm nữa, cầu đi bộ nghìn tỷ đầu tiên bắc qua dòng sông biểu tượng tại đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ hoàn thành

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/dao-mong-xay-nha-7-tang-lam-sap-nha-hang-xom-se-phai-boi-thuong-the-nao-202250401143256428.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đào móng xây nhà 7 tầng làm sập nhà hàng xóm sẽ phải bồi thường thiệt hại như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH