Doanh nghiệp

Đầu tư xe buýt 2 tầng tại TP. HCM: Xôn xao vấn đề cạnh tranh

Huy Hoàng 27/07/2024 - 17:10

TP Hồ Chí Minh hiện có 2 doanh nghiệp khai thác dịch vụ xe buýt 2 tầng.

Theo thông tin mới đây từ báo Tuổi trẻ, Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam không muốn CTCP vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus (Viet Bigbus) tham gia mở thêm tuyến xe buýt hai tầng tại TP.HCM. Điều này đang gây xôn xao dư luận.

Được biết, TP. HCM hiện có 2 doanh nghiệp thí điểm khai thác dịch vụ xe buýt hai tầng, thoáng nóc chở khách du lịch. Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam là đơn vị tiên phong, hoạt động từ tháng 1/2020 và Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội hoạt động từ tháng 8/2022. Mới đây, Công ty Viet BIGBUS đã xin đầu tư mở thêm thêm tuyến tại khu vực trung tâm quận 1, quận 5 và một phần các quận 4, 3, 6, 10 và TP. Thủ Đức. Lộ trình hoạt động ban ngày và ban đêm, hình thành các tuyến: Khám phá Sài Gòn xưa và nay; khám phá Chợ Lớn.

Đầu tư xe buýt 2 tầng tại TP. HCM: Xôn xao vấn đề cạnh tranh
Ảnh minh họa

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on Hop off cho rằng, với vai trò là người tiên phong, doanh nghiệp của ông đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, truyền thông điểm đến để du khách quen với sản phẩm nội đô này. Vì thế "việc các doanh nghiệp sau tham gia thực chất sao chép mô hình của công ty mình".

"Đây là một sự vi phạm nguyên tắc cạnh tranh. Kinh nghiệm các nước chỉ cấp phép giới hạn cho các doanh nghiệp tiên phong đầu tiên dịch vụ này, ví dụ New York chỉ có 3 công ty được phép vận hành xe 2 tầng, Paris 2 công ty, Singapore 1 công ty", ông Luân nêu ví dụ giải thích cho căn cứ kiến nghị của mình.

Tuy nhiên, nhiều sở ngành lại cho rằng việc này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Cụ thể, UBND quận 4, quận 5 và 2 sở là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, Sở Du lịch TP. HCM đều đã thống nhất đề xuất mở thêm tuyến mới của Công ty Viet Bigbus.

Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chuyện muốn hay không muốn mở tuyến mới chỉ là kiến nghị của doanh nghiệp. Còn về mặt quản lý nhà nước, nếu cơ quan chức năng không chấp thuận đề xuất mở tuyến mới (khi doanh nghiệp đủ điều kiện) sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh và các quy định về chống độc quyền.

"Tôi cho rằng các luồng tuyến giao thông công cộng có thể khai thác để phát triển kinh tế, du lịch thì nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia. Không chỉ các tuyến nội thành mà các tuyến ngoại thành cũng rất giàu tiềm năng”, ông Thuận nói.

>>Hà Nội sắp chuyển đổi 100% xe buýt: Đề án ‘xanh hoá’ quy mô 43.000 tỷ đồng

Hà Nội sắp chuyển đổi 100% xe buýt: Đề án ‘xanh hoá’ quy mô 43.000 tỷ đồng

Thủ đô Hà Nội sắp thay tuyến xe buýt BRT thành đường sắt đô thị?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dau-tu-xe-buyt-2-tang-tai-tp-hcm-xon-xao-van-de-canh-tranh-243370.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đầu tư xe buýt 2 tầng tại TP. HCM: Xôn xao vấn đề cạnh tranh
POWERED BY ONECMS & INTECH