Vĩ mô

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Phải ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm

Khúc Văn 23/11/2024 - 14:15

Các chuyên gia cho rằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cần ưu tiên những dự án có tính chất tăng cường kết nối hạ tầng, phục vụ sinh kế và sự phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là những vùng xa, vùng khó khăn.

Lo dòng tiền không chảy được vào nền kinh tế

Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2024, tổng khối lượng vốn đầu tư công giải ngân 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt tương ứng trên 52% và 56,74% kế hoạch).

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Phải ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm
Lo dòng tiền không chảy được vào nền kinh tế.

Bình luận về vấn đề này, TS Lê Duy Bình, giám đốc Economica Việt Nam nhận định việc vốn đầu tư công chậm sẽ khiến nền kinh tế thiệt đơn, thiệt kép, làm ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế.

“Vốn đầu tư công chậm sẽ khiến các công trình đầu tư chậm hoàn thành, dẫn đến lãng phí. Ngoài ra, dòng vốn chậm giải ngân sẽ khiến dòng vốn không lưu chuyển vào nền kinh tế, khi ấy vai trò ‘vốn mồi’ của nền kinh tế sẽ không còn.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đi vay rất nhiều để đầu tư nên nếu là ngân sách đi vay thì nhà nước sẽ phải trả lãi, nếu chậm giải ngân nhà nước sẽ thiệt hại”, ông Bình nói.

Lý giải về nguyên nhân của những chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công 2024, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khó khăn lớn nhất nổi lên là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông.

“Vấn đề này liên quan không phải Luật Đầu tư công mà để giải quyết, liên quan đến rất nhiều luật khác, đặc biệt là luật về khoáng sản, cấp phép mỏ vật liệu cũng như việc cho phép bán các vật liệu thông thường phục vụ cho các công trình”, ông Phương nói.

Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Chính sách cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư.

Theo đó, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý cố hữu đã tồn tại nhiều năm. Tình trạng đầu năm giải ngân vốn đầu tư chậm, đến giữa năm tăng tốc và cuối năm đạt tốc độ cao đã gần như trở thành một “thông lệ”, một “đặc điểm” tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, chứ không riêng đầu tư công.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Việt là do những biến động về nhân sự quản lý các cấp từ Trung ương và địa phương.

“Đáng nói, những biến động này lại tập trung ở phần lớn ở các cán bộ lãnh đạo, những người phải chịu trách nhiệm về đầu tư công của từng địa phương cũng như bộ ngành. Tất nhiên, khi nhân sự có biến động, sẽ ngay lập tức có phương án thay thế nhưng cán bộ thay thế cần thời gian để tiếp nhận công việc, nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định”, ông Việt nói.

>>Bắc Giang đã 'tiêu' hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Lựa chọn dự án trọng tâm, trọng điểm

Nhìn về mục tiêu giải ngân 95% số vốn đầu tư công trong năm nay, ông Việt cho rằng đây là mục tiêu khó thực thi, nhất là trong bối cảnh thời gian còn lại từ nay tới cuối năm không nhiều.

Vậy làm thế nào để đẩy nhanh vốn đầu tư công? Trả lời câu hỏi này, ông Việt cho rằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cần ưu tiên những dự án có tính chất tăng cường kết nối hạ tầng, phục vụ sinh kế và sự phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là những vùng xa, vùng khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với đó, theo Việt cần có sự đầu tư quyết liệt hơn cho khoa học công nghệ. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và phân cực về địa kinh tế - địa chính trị, nếu chỉ thụ động trông chờ vào đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ, nền kinh tế trong nước có nguy cơ phải đối diện với nhiều rủi ro. Đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ là để bổ sung nội lực cho cả nền kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, ông Việt cho rằng cần tăng tốc độ triển khai dự án. Lựa chọn dự án đúng trọng tâm, trọng điểm là bước đầu tiên, tiếp đến phải làm cho dự án sớm đi vào khai thác, mang lại tác động lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và những năm tiếp theo.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng đi đôn đốc giải ngân.

“Cộng với cơ chế là các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, có phân công các địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Hai cơ chế này vẫn đang diễn ra và các thành viên cũng rất là tích cực làm việc với các địa phương,” ông Phương nói.

Cùng đó, ông Phương cũng cho biết là nhóm giải pháp về tổ chức triển khai thực hiện đẩy nhanh đầu tư công cũng đang được hoàn thiện. Đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương.

>>Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Cần nghiên cứu, vận dụng tốt cơ chế chính sách để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

Hà Nội: quản lý chặt chẽ việc tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/day-manh-giai-ngan-dau-tu-cong-phai-uu-tien-cac-du-an-trong-tam-trong-diem-261753.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Phải ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH