Xã hội

ĐBQH: Những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, quảng cáo thực phẩm chức năng đúng hay sai?

Thái Hà 12/11/2024 - 08:58

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có văn bản để nhắc nhở và đề nghị đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 11/11, đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) nêu thực trạng, những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng. Điều này có phù hợp quy định hay không, nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?

ĐBQH: Những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, quảng cáo thực phẩm chức năng đúng hay sai? - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái). Ảnh: Như Ý/Báo Tiền Phong

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật điều chỉnh.

Luật Quảng cáo đang sửa đổi cũng như văn bản hướng dẫn, cũng quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm là “không được phép”.

Tại Bộ Luật Hình sự cũng quy định rất rõ các mức độ liên quan đến xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo. Hiện nay, Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Quốc hội xem xét thông qua cũng đã có những quy định như thế này.

“Chúng tôi khẳng định việc sử dụng các hình ảnh này là sai quy định. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trong toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu chất vấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trước thực trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được quảng cáo, bày bán tràn lan trên thị trường, được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cũng nêu, với tâm lý thực phẩm chức năng bổ dưỡng, không có tác dụng phụ, được giới thiệu là hàng xách tay, người tiêu dùng không tiếc tiền chi cho các sản phẩm ấy. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước và giải pháp trong thời gian tới để kiểm soát việc mua bán các sản phẩm này.

Bộ trưởng cho biết, quy định trong Luật Dược là rất chặt chẽ nhưng thực tế có việc lách luật, lợi dụng để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật để buôn bán thực phẩm chức năng giả hoặc thổi phồng công dụng.

ĐBQH: Những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, quảng cáo thực phẩm chức năng đúng hay sai? - ảnh 2
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Như Ý/Báo Tiền Phong

Thời gian qua, vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao và họ lợi dụng, thổi phồng các giá trị của mặt hàng được sản xuất ra để thu lợi… Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh.

Thừa nhận thực tế nhiều người có nhu cầu mua thực phẩm chức năng, nhất là hàng xách tay, Bộ trưởng cho biết, thực phẩm chức năng xách tay được sử dụng bởi người tiêu dùng, do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy hiện không có khái niệm này.

Khi các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý; nhưng nếu các thực phẩm đó được mang ra buôn bán thì điều kiện để kinh doanh thực phẩm chức năng là phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ liên quan để quản lý tốt hơn về thị trường này, tuyên truyền để người dân nhận thức về các thực phẩm chức năng; quản lý chặt việc bán hàng qua mạng xã hội… Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý.

>> Hơn 120.000 ca tử vong vì ung thư mỗi năm, Việt Nam đứng thứ bao nhiêu về tỷ lệ mắc mới căn bệnh này tại châu Á?

Top 5 cây mọc hoang chữa bệnh gan được Bộ Y tế công nhận

Hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc, cần chính sách giữ chân

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/dbqh-nhung-nguoi-mac-ao-blouse-trang-xung-danh-bac-si-benh-vien-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-dung-hay-sai-130100.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ĐBQH: Những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, quảng cáo thực phẩm chức năng đúng hay sai?
    POWERED BY ONECMS & INTECH