ĐBQH phản đối việc bỏ chất vấn chánh án, viện trưởng: ‘Nếu vậy, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ?’
Vị đại biểu này cho rằng việc này sẽ làm suy giảm vai trò giám sát của HĐND.
Sáng 14/5, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất thay đổi mô hình tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện. Theo tờ trình, các cơ quan này sẽ được tổ chức lại theo mô hình khu vực, không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể.
Cùng với thay đổi về mô hình tổ chức, dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Cụ thể, chánh án TAND và viện trưởng VKSND sẽ không còn là đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND, nhằm bảo đảm phù hợp với cách thức tổ chức các cơ quan nhà nước ở địa phương. Hoạt động chất vấn tại HĐND sẽ tập trung vào UBND, bao gồm chủ tịch, các thành viên UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND, từ đó tăng cường hiệu quả điều hành và quản lý hành chính trên thực tế.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất loại bỏ quyền chất vấn đối với chánh án và viện trưởng. Bà cho rằng việc này làm suy giảm vai trò giám sát của HĐND, đặc biệt trong bối cảnh công dân tại các đơn vị hành chính vẫn chịu sự tác động trực tiếp từ hoạt động tố tụng của tòa án và viện kiểm sát khu vực.

Ban soạn thảo đưa ra hai lập luận giải thích. Thứ nhất, vì các cơ quan tư pháp mới không còn gắn với đơn vị hành chính nên không còn HĐND "ngang cấp" để thực hiện quyền chất vấn. Thứ hai, Hiến pháp hiện hành không quy định quyền chất vấn, nhưng đại biểu HĐND vẫn có quyền giám sát và kiến nghị với các cơ quan, tổ chức liên quan.
Tuy nhiên, bà Thúy bác bỏ cả hai lý do này. Theo bà, lý giải thứ nhất khó thuyết phục được đại biểu HĐND cấp tỉnh và cử tri, khi mà họ mất đi quyền chất vấn vốn được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bà nhấn mạnh rằng, dù không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, các cơ quan tư pháp khu vực vẫn thực hiện chức năng tố tụng đối với người dân sinh sống tại đó – nơi có HĐND là đại diện cho ý chí cử tri.
Bà đặt câu hỏi: "Không lẽ tòa án, viện kiểm sát khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân? Nếu vậy, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ?" Bà cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định loại bỏ quyền chất vấn này.
Theo đại biểu Thúy, việc không còn HĐND ngang cấp không đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền giám sát. Bà cho rằng cần phân biệt rõ giữa các hình thức giám sát như kiến nghị, giám sát chung và chất vấn, trong đó chất vấn là công cụ mang tính trực tiếp, công khai, buộc người được chất vấn phải trả lời và chịu trách nhiệm trước đại biểu và cử tri. Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu lãnh đạo tòa án và viện kiểm sát báo cáo, giải trình các vấn đề cụ thể, nhất là những trường hợp phức tạp như bản án tuyên không rõ ràng, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án.
"Vì tất cả lý do nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân với chánh án, viện trưởng viện kiểm sát cấp tỉnh và khu vực", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu quan điểm.
>> Trả lời chất vấn thẳng thắn, đưa ra giải pháp rõ ràng, cụ thể và toàn diện