Đề xuất đưa phí giao thông nội đô với ô tô cá nhân vào luật
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định.
Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đường bộ. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định.
Nữ đại biểu phân tích việc thu phí sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Ngoài ra bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Hà Nội, TPHCM đã xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.
Theo bà Thủy, nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc tại thành phố lớn.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật. Đại biểu lý giải cho đề xuất này là trước thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí phương tiện giao thông, nhất là khi xảy ra tình trạng sạt lở trên đường gây tắc nghẽn cục bộ.
Bà Huế dẫn Nghị định 100/2029/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt có quy định về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý.
Do đó, đại biểu cho rằng, việc bổ sung hành vi này vào điều cấm trong dự thảo luật là phù hợp.
Cần quy định mở về quỹ đất dành cho đường bộ
Phát biểu về quy định liên quan tỷ lệ đất, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, dự luật quy định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định.
Theo đó, đô thị loại đặc biệt từ 18% - 26%; đô thị loại I từ 16 % - 24%; đô thị loại II từ 15% - 22%; đô thị loại III từ 13% - 19%; đô thị loại IV từ 12% - 17%; đô thị loại V từ 11% - 16%.
Dự thảo luật quy định đô thị có yếu tố đặc thù thì tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ so với đất xây dựng đô thị quy định đô thị có đường biên giới quốc gia, đô thị ở hải đảo, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhận định việc quy định như dự luật quá chi tiết và có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương, không phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai...
Hà Nội hay TPHCM có tỷ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13 - 15%. Đại biểu lý giải quy định cứng tỷ lệ đất dành cho giao thông như dự kiến ở dự thảo luật, áp dụng ngay cho các đô thị bao gồm cả đô thị hiện hữu, hình thành mới mà không kèm theo chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ không khả thi trong điều kiện hiện nay.
Mặt khác trong điều kiện đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ, ví như Hà Nội đang dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tính toán ban đầu là 5.500 tỷ đồng/km.
Chưa kể các khó khăn trong thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông hiện nay thì các đô thị không thể phát triển theo hướng xây mới, mở rộng đường giao thông trong nội đô, nội thị. Theo bà Nguyễn Phương Thủy, cần chú trọng hơn giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.
Khoảng 10 địa phương có dự kiến quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả tàu điện ngầm, trên cao. Khi giao thông công cộng, đường sắt hoạt động đồng bộ thì diện tích đất dành cho giao thông ở các đô thị không cần giữ ở mức cao như hiện nay mà có thể sử dụng ở các mục đích khác cần thiết, có hiệu quả hơn. Do đó, đại biểu đề nghị luật không nên quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị...
>> Hà Nội yêu cầu tất cả bộ phận một cửa thu phí không dùng tiền mặt