Đêm nay, Việt Nam đón cực đại mưa sao băng 'bí ẩn'
NASA cho biết lượng sao băng Quadrantids thường có biến động lớn qua các năm, có năm chỉ 60 ngôi sao băng/giờ trong đêm cực đại, có năm lên tới 200 ngôi sao băng/giờ.
Đêm cực đại của trận mưa sao băng đầu tiên trong năm 2025 - Quadrantids sẽ rơi vào đêm ngày 3/1, rạng sáng ngày 4/1 nếu quan sát từ Việt Nam. Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn trong năm và dự kiến sẽ có khoảng 80 ngôi sao băng xuất hiện mỗi giờ.
Được biết, NASA gọi sao băng Quadrantids là "thiên thạch cầu lửa" do đặc tính to, sáng và tồn tại lâu hơn các vệt sao băng bình thường.
Tuy nhiên, dù là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, Quadrantids chỉ kéo dài trong vài giờ. Tâm điểm của mưa sao băng Quadrantids sẽ nằm trong chòm sao cổ Quadrans Muralis. Hiện tại, bạn có thể tìm thấy tâm điểm của mưa sao băng Quadrantids trong chòm sao Bootes.
Quadrantids được xem là mưa sao băng bí ẩn vì trong nhiều năm qua, sao chổi mẹ của Quadrantids vẫn chưa được biết đến. Các nhà thiên văn học đang tìm kiếm một vật thể có quỹ đạo trùng với quỹ đạo của luồng sao băng Quadrantids.
Theo trang Date and Time, những ngôi sao băng đầu tiên của Quadrantids đã rơi rải rác từ ngày 28/12/2024 và sẽ còn kéo dài tận ngày 12/1/2025. Mặc dù vậy, số sao băng những đêm sau sẽ ít dần.
Ngoài ra, NASA cho biết thêm là lượng sao băng Quadrantids thường có biến động lớn qua các năm, có năm chỉ 60 ngôi sao băng/giờ trong đêm cực đại, có năm lên tới 200 ngôi sao băng/giờ.
>> Elon Musk: 'Gã điên' ôm giấc mộng đưa loài người lên sao Hỏa