Đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 410km đường sắt đô thị
Chiều 30/12, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, theo Quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các định hướng quy hoạch khác, mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố sẽ bao gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 616,9 km.
Hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50 – 55% và sau năm 2035 đạt 65 – 70%, UBND thành phố đã nỗ lực, chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô.
Hiện nay, Đề án này đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Bộ Chính trị thông qua và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025.
Theo kế hoạch, Hà Nội quyết tâm đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 410,8km đường sắt đô thị. Giai đoạn tiếp theo (2036 – 2045), thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7km.
Hà Nội quyết tâm đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 410,8km đường sắt đô thị - Ảnh: VOV |
Ông Thường cho biết, đây là kế hoạch hết sức táo bạo và nhiều thách thức. Vì vậy, TP. Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm ưu tiên bố trí vốn đầu tư; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô; rút ngắn trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án.
Hiện nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km của tuyến số 2A (đoạn Cát Linh – Hà Đông, dài 13km) và tuyến số 3 trên cao (đoạn Nhổn – Cầu Giấy, dài 8,5km).
Các tuyến đường sắt đô thị đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội. Việc sử dụng các metro để di chuyển sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông và cải thiện chất lượng không khí tại Thủ đô. Ngoài ra, các tuyến metro sẽ trở thành động lực quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, là đòn bẩy gia tăng giá trị cho bất động sản nơi các tuyến dừng chân.
Về cơ bản, hai tuyến metro đang được vận hành thương mại ở Hà Nội là metro Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông có thiết kế, chính sách vé và cách vận hành tương tự nhau.
Tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội đã chính thức được đưa vào hoạt động thương mại từ ngày 8/8 sau gần 15 năm chờ đợi. Trong ngày đầu vận hành, đông đảo người dân đã háo hức đến trải nghiệm tuyến tàu điện trên cao này, phá vỡ kỷ lục của đường sắt Cát Linh – Hà Đông với 34.184 lượt khách sử dụng.
>>Sau 5 ngày khai thác, metro Bến Thành – Suối Tiên gặp phải những bất cập gì?
Từ ngày 2/1/2025, hành khách đi metro TPHCM cần lưu ý gì?
Từ metro Bến Thành – Suối Tiên đến du lịch bền vững của TP.HCM: Chìa khóa vàng mở ra cánh cửa mới