Bất động sản

Đèo Cả và các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị gì cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD?

Việt Hoàng 08/12/2024 06:04

Hiện, Tập đoàn Đèo Cả đã cử các đoàn công tác đến các quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... để học hỏi thực tiễn đào tạo và triển khai các dự án đường sắt.

Vào ngày 30/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự án này có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD, trở thành công trình hạ tầng giao thông lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Tuyến đường sắt có chiều dài 1.541km, với cơ cấu đặc thù gồm 60% là kết cấu cầu, 30% nền đất, và 10% hầm.

Quy mô này hứa hẹn mang lại khối lượng công việc khổng lồ, tạo cơ hội lớn cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông trong nước.

Theo VnExpress, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhận định rằng, sau năm 2025, khi các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, các nhà thầu giao thông tại Việt Nam sẽ tích lũy được nguồn lực đáng kể về thiết bị và nhân sự giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu không có các dự án tiếp nối, nguồn lực này sẽ bị lãng phí nghiêm trọng, gây tổn thất lớn cho đất nước.

Mặc dù vậy, ông Huy nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm trong việc xây dựng đường sắt tốc độ cao. Do đó, để tham gia vào lĩnh vực này, họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh như nhân lực, thiết bị, tài chính, và đặc biệt là khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Đèo Cả và các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị gì cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD?
Ảnh minh họa

Trong bước chuẩn bị, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động hợp tác với các trường đại học trong nước, thành lập Viện Đào tạo và Nghiên cứu Đèo Cả nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt cho lĩnh vực đường sắt và metro.

Đồng thời, doanh nghiệp đã cử các đoàn công tác đến các quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... để học hỏi thực tiễn đào tạo và triển khai các dự án đường sắt. Qua đó, Tập đoàn Đèo Cả kỳ vọng “nhập khẩu” các chương trình đào tạo và mời các chuyên gia quốc tế về hỗ trợ.

Mục tiêu của sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu công nghệ quản lý, vận hành và giải pháp kỹ thuật hiện đại mà còn nhằm "bản địa hóa" công nghệ và thiết bị, đảm bảo phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Để rút ngắn khoảng cách công nghệ, Đèo Cả tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các giải pháp tiên tiến trong thi công hầm, cầu đường, và quản lý dự án như hệ thống giao thông thông minh (ITS) hay mô hình thông tin công trình (BIM).

Theo ông Huy, dự án được thực hiện theo hợp đồng trọn gói EPC sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhà thầu Việt Nam bởi phần lớn quen với hình thức cũ là đấu thầu thi công. Giờ chuyển sang hình thức "khoán" toàn quyền cho nhà thầu thì trình độ quản lý phải rất cao để đáp ứng được quy mô và yêu cầu kỹ thuật của dự án đường sắt tốc độ cao.

Hợp đồng EPC đòi hỏi tổng thầu rất am hiểu các khâu, từ thiết kế chi tiết, chọn lựa công nghệ, đến thi công, điều mà các nhà thầu trong nước vẫn đang trong giai đoạn học hỏi và tích lũy. Quản lý hợp đồng EPC cũng yêu cầu nhà thầu phải kiểm soát chặt chẽ từ nguồn vốn, thiết bị, đến tiến độ và chất lượng thi công.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực thông qua việc hợp tác với các trung tâm đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ chuyên ngành cho các kỹ sư đường sắt.

Đồng thời, công ty cũng tổ chức các chương trình tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, cùng với việc lên kế hoạch đầu tư trang thiết bị phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn trong tương lai.

Hiện tại, thiết bị của các nhà thầu Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, khi bước vào lĩnh vực xây dựng đường sắt tốc độ cao, đòi hỏi công nghệ mới với tiêu chuẩn khắt khe hơn, đặc biệt là về tính chính xác và kỷ luật trong vận hành máy móc.

>> Đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng theo mô hình Dubai, Frankfurt và Singapore

Để chuẩn bị cho điều này, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã xây dựng phương án tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời tích cực tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước để hợp tác liên danh, liên kết khi tham gia đấu thầu các dự án đường sắt tốc độ cao.

"Chúng tôi sẵn sàng tham gia dự án sắp tới với tư cách nhà thầu lớn đã triển khai nhiều dự án lớn trên cả nước. Nếu có sự hỗ trợ chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi tin nhà thầu xây lắp Việt có thể tự hoàn thành các hạng mục", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đèo Cả và các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị gì cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD?
Ảnh minh họa

Về công tác vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao, ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, ngành đường sắt hiện đang tập trung tái cơ cấu và xây dựng mô hình quản lý phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và khai thác trong tương lai.

Công ty đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài để giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến công nghệ, nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, và thiết lập liên doanh, liên kết.

VNR cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo với 5 tổ chuyên trách các lĩnh vực, bao gồm xây lắp hạ tầng, bảo trì, phát triển công nghiệp liên quan đến chuyển giao công nghệ, nội địa hóa các thành phần cấu thành đường sắt tốc độ cao, và đào tạo nhân lực.

Theo tính toán, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ cần khoảng 13.800 nhân lực để vận hành và khai thác, trong đó, tổ phụ trách nhân lực chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Đặc biệt, việc đào tạo lái tàu không thể chờ đến khi hoàn thành xây dựng hạ tầng. Để trở thành lái tàu đường sắt tốc độ cao, mỗi người cần tối thiểu 5 năm đào tạo bài bản. Ngay cả các lái tàu hiện tại nếu được đưa đi đào tạo bổ sung cũng sẽ mất ít nhất 3 năm. Các vị trí khác như nhân viên điều động chạy tàu cũng đòi hỏi thời gian đào tạo từ 3-5 năm.

Trước mắt, công ty đã giao Trường Cao đẳng Đường sắt liên kết với các đối tác nước ngoài để triển khai chương trình đào tạo nhân lực.

Về lý thuyết, VNR có thể mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam, nhưng phần thực hành buộc phải đưa nhân lực ra nước ngoài để đảm bảo chất lượng và tính thực tiễn.

>> Thêm một ‘ông lớn’ Hàn Quốc sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thêm một ‘ông lớn’ Hàn Quốc sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Nếu không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp Việt có thể bị thua ngay trên 'sân nhà'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/deo-ca-va-cac-doanh-nghiep-trong-nuoc-chuan-bi-gi-cho-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-hon-67-ty-usd-264365.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đèo Cả và các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị gì cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD?
    POWERED BY ONECMS & INTECH