Địa phương vừa có sân bay, vừa có cảng biển lớn nhất cả nước hút vốn FDI tăng 48%

11-02-2024 18:16|Yên Hoàng

Năm 2024, địa phương này đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP. HCM đang là sân bay lớn nhất cả nước. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1,500ha) và công suất hàng hóa và số lượng hành khách phục vụ mỗi năm.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang có cảng biển lớn nhất cả nước. Theo UBND TP. HCM, cảng Sài Gòn hiện là cảng biển có diện tích và công suất lớn nhất cả nước. Cảng Sài Gòn có tổng diện tích khoảng 570.000m2, đồng thời là hệ thống cảng biển phục vụ cho khu vực thành phố, các vùng lân cận và đồng bằng sông Cửu Long.

>> Tỉnh 'sát vách' TP. HCM hút đầu tư hơn 400 triệu USD trong tháng đầu năm 2024

Kết thúc 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh của TP. HCM tăng trưởng 5,81%, đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng, trong đó, ngành dịch vụ tăng 6,79% và ngành công nghiệp tăng 4,42%. Từ mức tăng trưởng GRDP 0,7% của quý I, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý II (5,87%), quý III (6,71%).

Địa phương vừa có sân bay, vừa có cảng biển lớn nhất cả nước hút vốn FDI tăng 48%
Một góc TP. HCM

“Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP. HCM: Kết quả 2023 và dự báo 2024” do Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) và Cục Thống kê TP. HCM thực hiện, đã nhận định, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng kinh tế TP. HCM đạt được mức tăng trưởng khá cao trong năm 2023.

Theo nhóm nghiên cứu phân tích, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP. HCM luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước, tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh thành. Ở chiều ngược lại, nền kinh tế TP. HCM cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố có chiều hướng cải thiện đáng kể theo từng quý trong năm 2023. Điều này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế TP. HCM đang trên đà hồi phục ổn định, đặc biệt là khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

>> Các nhà đầu tư nước ngoài rót 22 triệu USD vào bất động sản TP. HCM trong tháng đầu năm

Để rõ hơn, có thể nhìn vào số liệu do Cục Thống kê TP. HCM công bố, năm 2023, khu vực nông lâm thủy sản tăng 1,53%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,42%, trong đó, công nghiệp tăng 4,41%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 6,79%; thuế sản phẩm tăng 3,57%.

Ngoại trừ ngành kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng âm 6,38%, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá, như bán buôn, bán lẻ tăng 10,17%; vận tải, kho bãi tăng 7,64%; thông tin và truyền thông tăng 5,94%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,69%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,61%; giáo dục và đào tạo tăng 7,03%; y tế và hoạt động cứu trợ tăng 3,24%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất (16,38%) so với năm 2022.

Số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở TP. HCM cũng cho thấy xu hướng phục hồi. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố tăng 48,5% so với cùng kỳ. Các chuyên gia cũng nhận định, vốn FDI trên địa bàn có sự chuyển dịch theo định hướng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

>> Một thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách hơn 45.700 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng

Kinh tế TP. HCM đã xuất hiện những điểm sáng, tuy nhiên, những thách thức vẫn còn hiện hữu trong năm 2024, và nền kinh tế cần thêm thời gian để thích ứng với những dịch chuyển này, hướng tới sự phục hồi. Khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục, ít nhất đến cuối quý II/2024.

Bởi lẽ, ngoài khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2024. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của TP. HCM, vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của thành phố. Đây sẽ thách thức cho TP. HCM trong việc thúc đẩy sự hồi phục của tổng cầu.

TP. HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5-8%, hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng, khách quốc tế đến khoảng 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn; TP. HCM là 1 trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.

>> Huyện ven biển duy nhất TP. HCM được đề xuất xây dựng khu đô thị giáo dục quốc tế 13.000 tỷ đồng

Các nhà đầu tư nước ngoài rót 22 triệu USD vào bất động sản TP. HCM trong tháng đầu năm

Lộ diện doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài

Tỉnh 'sát vách' TP. HCM hút đầu tư hơn 400 triệu USD trong tháng đầu năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dia-phuong-vua-co-san-bay-vua-co-cang-bien-lon-nhat-ca-nuoc-hut-von-fdi-tang-48-222795.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Địa phương vừa có sân bay, vừa có cảng biển lớn nhất cả nước hút vốn FDI tăng 48%
POWERED BY ONECMS & INTECH