Điểm mặt 4 lý do khiến thị trường BĐS vẫn chưa thể 'bùng nổ' trong năm 2024
Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang khá trầm lắng khi nguồn cung sản phẩm của cả nước vẫn đang khan hiếm trầm trọng.
Thời điểm hiện tại, nguồn cung BĐS cả nước tăng trưởng không đồng đều, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên gia.
Đơn cử chỉ có một vài tỉnh/thành lân cận tại TP. HCM có nguồn cung mới nhưng không đáng kể. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, TP. HCM không có dự án nào đủ điều kiện để mở bán.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến thị trường BĐS khó có thể "bùng nổ" trong năm 2024.
1. Nguồn tài chính của các chủ đầu tư đang dần "cạn kiệt"
Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến cho nguồn tài chính của các chủ đầu tư đang dần "cạn kiệt" chính là tư duy "lối mòn" trong hoạt động triển khai dự án.
Trước đây, các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước vẫn có thể huy động vốn dưới các hình thức khác nhau, thậm chí có thể sử dụng đòn bẩy tài chính từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại các nhà đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (tiền thuế sử dụng giải phóng mặt bằng...) mới có thể tiếp cận nguồn vốn vay để tiếp tục triển khai dự án.
Ngoài vốn vay ngân hàng, huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khiến các chủ đầu tư khó khăn trong việc triển khai dự án.
2. Lãi suất cho vay BĐS "nóng" trở lại
Lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay BĐS hiện nay đã "nóng" trở lại. Hoạt động gửi tiết kiệm cũng được xem là một kênh đầu tư chính thống và an toàn bên cạnh các kênh đầu tư, trong đó có kênh đầu tư BĐS.
Dựa trên tâm lý chung, đa số người dân vẫn còn khá dè dặt khi lựa chọn kênh đầu tư BĐS; một phần khác e dè vì lãi suất mua BĐS tại các ngân hàng thương mại vẫn còn neo cao.
Ngoài ra, niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường kinh doanh BĐS cần có thời gian để "lấy lại" vì những vụ tiêu cực liên quan đến BĐS diễn ra thời gian trước đó.
3. "Hành lang pháp lý" vẫn chưa được "khơi thông"
Những nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào việc pháp lý sẽ đảm bảo quyền lợi giữa chủ đầu tư và các tổ chức tài chính.
Theo đó, để pháp lý dự án được khơi thông, cần có sự quyết tâm rất lớn từ hai phía là chủ đầu tư dự án và các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền. Chủ đầu tư cũng cần có nguồn vốn đối ứng trong trường hợp cần thiết phải chi dùng.
4. Chủ đầu tư khó tiếp cận gói vay tín dụng 120.000 tỷ
Thời điểm hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên và khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc triển khai và xây dựng nhà ở xã hội, hướng đến việc người dân có thu nhập thấp, người trẻ và khách hàng có nhu cầu ở thực.
Các chủ đầu tư hiện nay vẫn khó tiếp cận gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng do tiến độ giải ngân chậm cùng thủ tục pháp lý còn khá rườm rà, phức tạp.
Thị trường BĐS hiện đang rơi vào trạng thái khá "trầm lắng" khi có rất ít giao dịch thành công, không còn nhộn nhịp như thời gian trước đó.
Trong khi đó, nhu cầu đối với sản phẩm thực của người dân vẫn không ngừng tăng cao, hứa hẹn đây là tệp khách hàng tiềm năng to lớn trong khi các chủ đầu tư lại chú trọng đầu tư những sản phẩm hạng sang, siêu sang khá "kén khách", nhắm đến khách hàng đầu tư có tiềm lực tài chính tốt.
Thời gian gần đây, Chính phủ đang thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong hoạt động tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, giữa bối cảnh một năm gói này giải ngân chưa đến 1%, đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực dành cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
>> Kênh đào lớn nhất Việt Nam hơn 107 triệu USD hiện ra sao sau một năm mở luồng?